Lãi suất âm có nguy cơ phản tác dụng nếu các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản có những bước tiến sâu hơn và kéo dài hơn vào “lãnh địa” chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ này - các chuyên gia của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo.
Theo tờ Financial Times, lời cảnh báo trên được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 10/3. Giới phân tích dự báo ECB sẽ hạ lãi suất sâu hơn dưới 0% trong cuộc họp lần này, về mức -0,4% từ mức -0,3% hiện tại, nhằm ngăn nguy cơ giảm phát.
Lãi suất âm được xem là cuộc thử nghiệm chính sách tiền tệ quan trọng nhất từ trước đến nay trên thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách xem lãi suất dưới 0 là một phần trong chiến lược nhằm kéo lạm phát tăng từ ngưỡng thấp tới mức đáng lo ngại hiện nay. Tuy nhiên, chính sách này đang vấp phải sự chỉ trích của các ngân hàng trung ương khác cho rằng đây là một chính sách “thiển cận” nhằm cố tình làm đồng tiền của nước áp dụng mất giá.
Các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính cũng phê phán chính sách lãi suất âm. Họ nói các ngân hàng thương mại phải chịu phần phí tổn quá lớn cho cuộc thử nghiệm này của các ngân hàng trung ương.
Được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, BIS ngày 6/3 đã công bố một nghiên cứu nói rằng rất khó có thể đoán biết các cá nhân và định chế tài chính sẽ hành động thế nào nếu lãi suất tiếp tục giảm sâu hơn dưới 0 hoặc ở ngưỡng âm trong một thời gian kéo dài.
Chính sách lãi suất âm của các ngân hàng trung ương đến nay đã gây ảnh hưởng lên lãi suất đi vay trên thị trường tiền tệ - lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải trả để được đáp ứng nhu cầu vốn. Tuy vậy, lãi suất âm vẫn chưa có tác động tích cực đến các doanh nghiệp và hộ gia đình như tác động mà việc cắt giảm lãi suất thông thường có thể mang lại.
Cho đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại đang phải chịu gánh nặng của lãi suất âm, và nhìn chung vẫn chưa chuyển gánh nặng này sang cho khách hàng của họ. “Tính khả thi của mô hình kinh doanh của các ngân hàng và các tổ chức tài chính trung gian có thể sẽ lung lay”, báo cáo của BIS nhận định.
ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang là những ngân hàng trung ương lớn nhất đã áp dụng lãi suất âm. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đang áp dụng mức lãi suất -0,5%, và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đưa ra mức lãi suất -0,75%.
Giới quan sát đang nghi ngờ về tính hiệu quả của lãi suất âm. Sự nghi ngờ hiện rõ khi động thái hạ lãi suất xuống dưới 0% của BoJ chỉ ngăn được đà tăng giá của đồng Yên trong vài ngày.
Nghiên cứu của BIS cũng nêu rõ rằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của người dân đến nay nhìn chung chưa chịu tác động của lãi suất âm. Thậm chí, lãi suất đối với một số khoản vay thế chấp nhà ở Thụy Sỹ còn tăng lên, bất chấp lãi suất âm.
“Nếu chính sách lãi suất âm không dẫn tới việc giảm lãi suất cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, thì chính sách này mất đi lý do để tồn tại”, các nhà kinh tế học của BIS nhận định.
“Ngược lại, nếu lãi suất âm truyền tải được ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình, thì chính sách này lại có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh lợi của các ngân hàng, trừ phi lãi suất âm cũng được áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm - mà điều này lại đặt ra nguy cơ đối với sự ổn định của lượng tiền gửi”, nghiên cứu cảnh báo.