Chờ đón “kỷ nguyên vàng” đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chuyên gia giao thông cho rằng, cùng với việc hoàn thiện cơ bản 3.000 km đường bộ cao tốc, giai đoạn 2024 - 2035 được kỳ vọng là “kỷ nguyên vàng” phát triển đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Với vai trò đầu tàu kinh tế, khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ đã và đang từng bước chuẩn bị công tác triển khai nhiều dự án, góp sức hiện thực hóa định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam.
Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024. Ảnh: Lê Hiếu
Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024. Ảnh: Lê Hiếu

Bức tranh đường sắt đô thị

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Bên cạnh đó, vùng có tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn nên đặt ra nhiều thách thức trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Chỉ tính riêng về đường sắt, khu vực này đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TP.HCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; đồng thời nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành.

Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam cho biết, để triển khai các dự án giao thông kết nối vùng, Sở GTVT TP.HCM đã chủ trì, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hoàn thiện báo cáo đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai để kết nối với tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo quy hoạch, tuyến Metro số 1 có chiều dài 19,7 km sẽ được nghiên cứu kéo dài tới TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương. Tại Bình Dương, tuyến số 1 (Thành phố mới - Suối Tiên) có chiều dài 28,2 km. Tại Đồng Nai, nghiên cứu đường sắt đô thị kết nối TP. Biên Hòa với TP.HCM (từ ga Suối Tiên đến ngã 3 chợ Sặt) với chiều dài khoảng 13,5 km.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: “Việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT các địa phương và định hướng giao thông quan trọng của vùng, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, góp phần thúc đẩy kết nối giao thông của khu vực phát triển kinh tế số 1 Việt Nam, do đó, cần ưu tiên đầu tư giai đoạn 2024 - 2035”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ cho khu vực này. Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương 60.800 tỷ đồng; ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

“Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM; nghiên cứu sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với TP. Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt khu vực khoảng 16.800 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Trong bức tranh chung, Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu quan điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, cần huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, lấy đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục "xương sống", kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước và liên vận quốc tế.

Đưa 2 tuyến metro TP.HCM về đích là nền tảng trọng yếu

Cập nhật thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đến nay đã hoàn thành 98,12% giá trị đầu tư. Với kế hoạch vốn năm 2024, giải ngân vốn ODA đạt 479,411 tỷ đồng (13,5% kế hoạch); vốn ODA cấp phát đạt 164,616 tỷ đồng (47,03% kế hoạch); vốn ODA vay lại đạt 314,795 tỷ đồng (9,84% kế hoạch); phần vốn đối ứng đạt 92,871 tỷ đồng (20,64% kế hoạch).

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết thêm, 4 gói thầu xây lắp chính của Dự án Metro số 1 đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, Gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đã hoàn thành cơ bản khối lượng thi công, nhà thầu đang tiến hành thử nghiệm cơ điện, hệ thống giao diện, giải quyết các vấn đề liên quan đến kết nối với công trình lân cận và hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy. Với Gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), nhà thầu đã cơ bản hoàn thành khối lượng thi công, đang hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hoàn chỉnh thử nghiệm cơ điện. Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đang được các nhà thầu hoàn thiện nhà ga, depot, cầu bộ hành kết nối nhà ga và chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu. Riêng Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đã hoàn thành cơ bản các hạng mục, đang tiến hành thử nghiệm trên toàn tuyến.

Ngày 30/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, Tư vấn NJPT và các nhà thầu tuyến Metro số 1 tổ chức chạy thử nghiệm toàn tuyến do kỹ thuật viên lái tàu Việt Nam trực tiếp vận hành. Căn cứ kết quả đánh giá việc vận hành thử và báo cáo thẩm định an toàn hệ thống, Chủ đầu tư sẽ nộp hồ sơ cho Cục Đường sắt để thực hiện công tác thẩm định an toàn và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ hoàn tất công tác nghiệm thu hoàn thành, đưa Dự án vào vận hành khai thác.

Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, tổng cộng 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Ông Bùi Xuân Cường nhận định, việc vận hành thương mại Dự án vào cuối năm 2024 là dấu mốc quan trọng của hạ tầng giao thông TP.HCM cũng như khu vực. “Từ tuyến Metro số 1 sẽ kết nối các tuyến đường sắt đô thị với Đồng Nai, Bình Dương để đưa đường sắt hiện đại trở thành xung lực cho toàn khu vực trong giai đoạn mới”, ông Cường chia sẻ.

Trong khi đó, Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Tham Lương) mới đạt tiến độ chung 3,9%. Tuy nhiên, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng của dự án này đang tiến triển tốt, làm cơ sở để đẩy nhanh tiến độ thi công đồng bộ. Tuyến chính dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 và hoàn thành vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục