Các địa phương cần chuẩn bị điều kiện cần thiết về môi trường đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực… để thu hút dòng FDI đang chuyển dịch. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ngày 28/7/2020.
Nghiêm túc chống dịch gắn với phục hồi kinh tế
Trong bối cảnh khó khăn, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn thể hiện quyết tâm rất cao trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nhiều địa phương phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất, không ít địa phương cam kết giải ngân hết vốn đầu tư công, quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết tâm và niềm tin đó của nhiều địa phương có cơ sở từ những kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế các tháng đầu năm. Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra, trong đó rất nhiều chỉ thị, nghị quyết do Bộ KH&ĐT tham mưu, đã giúp địa phương có cơ sở để tổ chức triển khai các giải pháp giảm thiệt hại, vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, duy trì ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...
Trao đổi với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các tháng cuối năm 2020 còn rất nhiều thách thức, khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, vì thế tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh. Nhiệm vụ trong thời gian tới vẫn phải nghiêm túc thực hiện chống dịch gắn với phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp điều hành đã ban hành rất nhiều, cần đánh giá việc thực thi các chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, hiệu quả ra sao, từ đó kiến nghị phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. “Có kéo dài chính sách đã ban hành hay không? Đề xuất chính sách nhiệm vụ, giải pháp mới là gì, đối tượng cần tập trung là ai, ngành nghề lĩnh vực nào cần ưu tiên trong 6 tháng cuối năm để tập trung nguồn lực, đưa ra giải pháp khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt nhiều “đầu bài” cho các đơn vị của Bộ.
Chủ động chuẩn bị điều kiện để đón được cơ hội mới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn rất lớn nhưng cũng sẽ có những cơ hội mới, điều cần làm là phải chuẩn bị tốt để nhanh chóng đón bắt. Tinh thần chủ động, sáng tạo, tiên phong, đổi mới, vì lợi ích chung của đất nước được lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cơ hội từ việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trước tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng cho rằng đây là cơ hội ngàn năm đối với Việt Nam để nhanh chóng tận dụng, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn kết kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh… Tuy nhiên, dịch Covid-19 chỉ là chất xúc tác đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, nhà đầu tư không tự đến nếu chúng ta không làm gì để có được lợi thế so sánh. “Nếu không cải cách thủ tục hành chính, không có biện pháp đúng, nhà đầu tư sẽ xem xét các thị trường cạnh tranh quyết liệt với chúng ta như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…”, Bộ trưởng chỉ ra và cho rằng, các địa phương cần nhanh chóng chuẩn bị điều kiện cần thiết về môi trường đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực... Đồng thời, cũng cần chủ động rà soát cam kết của nhà đầu tư, nhà đầu tư nào làm thực sự thì tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, không làm thì phải cương quyết thu hồi để dành cho nhà đầu tư khác, dự án khác, phục vụ cho phát triển chung.
Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, cũng phải chuẩn bị ngay các giải pháp sớm tăng tốc trở lại. Với Bộ KH&ĐT, phải theo dõi sát tình hình khu vực, quốc tế, nhận diện rõ thách thức, thời cơ, chủ động xây dựng kịch bản, kịp thời tham mưu cho Chính phủ đối sách, giải pháp trúng, đúng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng cho rằng, cần đổi mới hơn nữa, theo hướng thể chế kiến tạo phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không níu kéo tư duy cũ, cách làm cũ dẫn đến thiết kế cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật làm cản trở phát triển…
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã tháo gỡ được một phần nhưng vẫn còn, đặc biệt doanh nghiệp phàn nàn nhiều thủ tục hành chính ở địa phương. “Các địa phương cần tập trung xem vướng thế nào để tháo gỡ kịp thời”, Bộ trưởng chỉ ra. Tinh thần là tháo gỡ, rà soát, cắt giảm triệt để thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết trong lĩnh vực của mình, vì lợi ích chung của đất nước. Đặc biệt, không chỉ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công, mà cần tập trung tháo gỡ khó khăn đối với mọi nguồn vốn, cả khu vực đầu tư tư nhân, FDI, để huy động, giải phóng tối đa các nguồn lực cho phát triển.