Nhiều cử tri kiến nghị phải có biện pháp hạn chế việc xả thải gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp. Ảnh: Doãn Xuân |
Tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri cho thấy, đa số kiến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề quan trọng như: kế hoạch - đầu tư và tài chính ngân sách; giao thông vận tải, quản lý xây dựng - đô thị; tài nguyên - môi trường…
Nhiều kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm
Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, kiến nghị không rõ nội dung, Ban Dân nguyện tổng hợp còn 914 kiến nghị, trong đó có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội; 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành; 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội và 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao.
Về kế hoạch - đầu tư và tài chính ngân sách, cử tri đề nghị xem xét bổ sung vốn, tăng định mức hỗ trợ ngân sách trung ương, vốn trái phiếu chính phủ về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên bố trí ngân sách và có biện pháp để huy động nguồn vốn ODA; tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước, thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí…
Về giao thông vận tải, quản lý xây dựng - đô thị, cử tri đề nghị đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn; tăng cường các giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xem xét di dời các trạm thu phí BOT không hợp lý và giảm phí BOT...
Đối với tài nguyên - môi trường, cử tri kiến nghị có biện pháp tích cực trong việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác chế biến khoáng sản có hiệu quả; hạn chế việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các doanh nghiệp...
Mặc dù đã kịp thời tiếp thu, nghiên cứu giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân nguyện, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, thậm chí, có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri, mà lại trả lời chung chung, trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết, vì vậy, cử tri lại tiếp tục có kiến nghị. Tính đến thời điểm này vẫn còn 142 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm.
Tập trung những vấn đề khiếu kiện gay gắt
Báo cáo của Ban Dân nguyện do bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Ban Dân nguyện trình bày cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp thu, nghiên cứu và đặc biệt là việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng và hiệu quả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua để đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như tính thực tiễn, khả thi đối với các văn bản sẽ được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng tới tính thống nhất của hệ thống pháp luật; khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã nêu trong các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nêu quan điểm, các nội dung giám sát, giải quyết kiến nghị trong Quốc hội khóa XIII đã thực hiện rất tốt, đi vào những vấn đề cụ thể, song để hiệu quả hơn, vấn đề giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri cần tập trung vào những chuyên đề lớn. Đơn cử như các dự án đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại hiện đang là vấn đề nổi cộm và gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, số ý kiến của UBTVQH cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của một số đơn vị chưa trả lời đầy đủ các ý kiến kiến nghị của cử tri, đặc biệt là những ý kiến kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết, chú trọng đến chất lượng giải quyết của các cơ quan bộ, ngành. Đồng thời, công khai việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tăng cường minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác giám sát.