Chống chuyển giá đối với hoạt động thương mại điện tử là thách thức rất lớn của ngành thuế. Ảnh: Duy Khánh |
Xác định chắc chắn có hoạt động chuyển giá mới thanh tra
Đứng trước thực trạng gian lận thuế thông qua chuyển giá diễn ra vô cùng phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, ngành thuế luôn đặt công tác thanh tra, kiểm tra thuế và phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động chống chuyển giá là nhiệm vụ trọng tâm. “Năm 2015, cơ quan thuế trên cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.421 doanh nghiệp kê khai lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết đã yêu cầu doanh nghiệp giảm lỗ trên 4.400 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn, phạt 500 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 190 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.
Cùng với Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai được ngành thuế coi là địa phương trọng điểm trong công tác chống chuyển giá. Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Công cho biết, để nhận diện ra doanh nghiệp có giao dịch liên kết không khó, nhưng để phát hiện ra doanh nghiệp có giao dịch liên kết với nhau có hoạt động chuyển giá không thì vô cùng phức tạp. Vì hầu hết doanh nghiệp có hành vi chuyển giá đều có quy mô lớn, phần nhiều là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có đội ngũ nhân viên kế toán rất am hiểu pháp luật và đứng đằng sau “chống lưng” cho họ là công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. “Mình biết chắc họ có hoạt động chuyển giá, nhưng không có đầy đủ bằng chứng, dữ liệu chứng minh họ chuyển giá mà cứ kết luận họ có hành vi chuyển giá sẽ bị khiếu nại, khiếu kiện không chỉ rất phiền phức, mà còn ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh quốc gia”, ông Công chia sẻ.
Để tránh khiếu nại, khiếu kiện trong công tác chống chuyển giá, ông Công cho biết, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế phải lập danh sách doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đề nghị doanh nghiệp có tên trong danh sách cung cấp dữ liệu về giá chuyển nhượng sau đó tiến hành phân tích, đánh giá xem hành vi chuyển giá nếu có thì thực hiện ở khâu nào: đầu ra (bán hàng cho doanh nghiệp liên kết) hay đầu vào (mua nguyên liệu của bên liên kết) hoặc chuyển giá ở cả đầu ra lẫn đầu vào. Chỉ khi chắc chắn doanh nghiệp nào đó có hoạt động chuyển giá cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra.
Nan giải vấn đề chống chuyển giá
Đứng trước thực trạng hoạt động chuyển giá diễn ra khá phổ biến, mới đây Tổng cục Thuế đã quyết định thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại Cục Thuế Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và TP.HCM. Tổ chức “đặc nhiệm” này, theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ngoài việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng hàng năm; tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có quan hệ liên kết; thực hiện công tác thanh tra giá chuyển nhượng theo kế hoạch… còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin, kết luận sau thanh tra giá chuyển nhượng cho các bộ phận chức năng có liên quan để phối hợp quản lý thuế; thanh tra xác minh, giải quyết các tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế liên quan đến giá chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Văn Công tin rằng, việc thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại một số địa phương trọng điểm là cơ sở để cơ quan thuế đẩy mạnh thanh tra chống chuyển giá. “Một khi hoạt động thanh tra được đẩy mạnh, doanh nghiệp ý thức được rằng, công tác thanh tra giá chuyển nhượng được cơ quan thuế đặc biệt quan tâm, vì vậy, dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng phải khai báo giá chuyển nhượng chính xác hơn, sát thực tế hơn, ý thức chấp hành pháp luật về thuế tốt hơn. Vì nếu đã bị thanh tra, bị cơ quan thuế phát hiện ra gian lận, ngoài bị truy thu toàn bộ số tiền thuế phải nộp do kê khai không chính xác, doanh nghiệp còn bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, bị tính tiền chậm nộp và bị cơ quan thuế đưa vào danh sách doanh nghiệp không chấp hành tốt chính sách thuế và có cơ chế theo dõi đặc biệt”, ông Công nói.
Tổ chức chống chuyển giá chuyên nghiệp đã được thành lập, nhưng hiệu quả hoạt động đến đâu thì cần phải có thời gian kiểm chứng. Bởi theo lãnh đạo cơ quan thuế nhiều địa phương, muốn xác định được giao dịch nào đó có thấp hơn (nguyên vật liệu mua vào) hay cao hơn (thành phẩm bán ra) so với giá giao dịch trên thị trường trong và ngoài nước hay không thì cơ quan thuế phải có đầy đủ thông tin, dữ liệu. Muốn có đầy đủ thông, tin dữ liệu về giá hàng hóa giao dịch trên thị trường trong và ngoài nước thì phải bỏ tiền ra mua. “Vấn đề là phải có tiền mua thông tin, dữ liệu”, một lãnh đạo thuế địa phương cho biết khó khăn trong việc chống chuyển giá.
Ngoài ra, chống chuyển giá đối với hoạt động thương mại truyền thống đã vô cùng khó khăn, nhưng theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó ban Cải cách, Tổng cục Thuế, chống chuyển giá đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) còn khó khăn hơn rất nhiều.
Năm 2015, giao dịch TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 14,88 tỷ USD. Hoạt động chống gian lận thuế, chống chuyển giá đối với hoạt động TMĐT đang là một trong những thách thức rất lớn với ngành thuế Việt Nam.
Theo ông Tiến, chống chuyển giá đối với hoạt động thương mại truyền thống mặc dù rất khó khăn, nhưng vẫn có cơ sở để thực hiện đó là tất cả giao dịch đều được thể hiện qua hóa đơn, chứng từ, cơ quan thuế có thể đối chiếu giao dịcht giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết với giá giao dịch thông thường trên thị trường để kết luận giao dịch nào đó có chuyển giá hay không. Còn đối với giao dịch TMĐT, sau khi giao dịch xong, các bên có liên quan chỉ việc xóa dữ liệu trên mạng Internet thì cơ quan thuế không có cách gì phát hiện ra tình trạng trốn thuế, gian lận thuế.