Mức phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được đề xuất giảm 10% so với hiện hành. Ảnh: Huy Hùng |
Chỗ giảm, chỗ không
Theo rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở một số lĩnh vực, mức phí được đề xuất giảm đồng loạt 50% cho tất cả các hoạt động. Tuy nhiên, ở cùng một lĩnh vực, một số hoạt động được giảm, một số hoạt động lại không được giảm như phí cấp mã số mã vạch, phí và lệ phí trong lĩnh vực hàng không, phí và lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp.
Cùng là loại phí có tính chất duy trì hiệu lực của việc sử dụng dịch vụ công của Nhà nước, nhưng phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng được giảm, còn phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm lại không được giảm... Cụ thể, trong các loại phí về mã số mã vạch quy định tại Thông tư 232/2016/TT-BTC, chỉ có “mức thu phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài” là được giảm 50% so với mức phí hiện hành, còn “phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch”, “phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí)” không được giảm...
Trong một số lĩnh vực, mức giảm được đánh giá còn thấp. Đơn cử, trong lĩnh vực hàng không, mức phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (tức là mức phí bảo đảm hoạt động bay) giảm 10% so với mức hiện hành. Mức phí kinh doanh cảng hàng không cũng giảm 10%...
Các mức phí thẩm định được đề xuất giảm chủ yếu tập trung vào hoạt động thẩm định cấp các loại giấy phép và đối tượng thụ hưởng là các DN mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, đối với những DN đang hoạt động, các loại phí tác động đến chi phí kinh doanh lại không giảm hoặc giảm với tỷ lệ thấp. Ví dụ như các lĩnh vực thẩm định cấp giấy chứng nhận, giấy phép cho cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không; phí thẩm định đơn bảo hộ giống cây trồng... không được giảm: phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay... chỉ được giảm 20%.
Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, những DN đang hoạt động và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là đối tượng cần được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Việc các loại phí nêu trên không giảm, hoặc giảm ở mức thấp sẽ khiến cho biện pháp hỗ trợ của Nhà nước chưa đạt hiệu quả.
Đảm bảo giảm phí, lệ phí thực chất và hiệu quả
Để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và thực chất trong chính sách về hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, VCCI đề nghị ban soạn thảo các dự thảo thông tư cần giải trình rõ hơn về mức giảm, nhất là so sánh với mức giảm phí của các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt cần đánh giá về mức độ khó khăn, chịu tác động nặng nề của ngành hàng không trong thời gian qua.
Ban soạn thảo cần điều chỉnh quy định của các dự thảo thông tư về phí, lệ phí theo hướng tỷ lệ giảm các mức phí tương đương đối với các hoạt động có cùng tính chất (hoạt động thẩm định cấp các loại giấy phép kinh doanh...). Rà soát và giảm các mức phí đối với DN đang hoạt động kinh doanh.
Mặc dù kiến nghị cần giảm chi phí trong lĩnh vực cảng biển, nhưng Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam lại cho rằng, không nên giảm phí xếp dỡ hàng hóa vì chỉ có hãng tàu nước ngoài được hưởng lợi do họ thu phí THC (xếp dỡ lên tàu và xuống tàu) rất cao. Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chi phí nâng hạ container, bốc xếp, lưu kho, phí LSS (phí nhiên liệu) và các phụ phí khác của các cảng, CFS (kho bãi), ICD (cảng cạn) để hỗ trợ cắt giảm chi phí trực tiếp cho DN xuất nhập khẩu, logistics.
Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần rà soát các loại phí, thủ tục hành chính như đang làm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi để xóa bỏ các loại phí, thủ tục gây khó khăn cho DN và nông dân, nhất là các lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu, đăng ký sản phẩm mới...