Đến hết tháng 11/2022, đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 78,4% quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách. Ảnh: Lê Tiên |
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Liên quan đến tín dụng với nền kinh tế, chiều ngày 5/12/2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trên cơ sở thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn. NHNN cho biết, tính đến ngày 25/11/2022, tín dụng tăng 12,14% so với cuối năm 2021. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Trên thị trường tiền tệ, tín hiệu tích cực là một số ngân hàng đã và đang giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ giảm lãi suất vay 1%/năm từ 6/12/2022 đến 31/1/2023 đối với cá nhân và doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB. Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất 1%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đang vay với thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng công bố giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh từ ngày 1/11 đến 31/12/2022…
Từ góc độ tài khóa, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang ngấm vào nền kinh tế một cách thực chất. Cụ thể, đến hết tháng 11/2022, đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 78,4% quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng.
Về các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 64 nghìn tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022, ước số đã miễn, giảm khoảng 47,8 nghìn tỷ đồng.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, có thể thấy rõ Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó để giữ đà tăng trưởng. Dư địa tăng trưởng tín dụng cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có triển vọng khả quan, đang rất thiếu vốn để hoàn thành các hợp đồng cuối năm. Về việc các ngân hàng giảm lãi suất, dù mới diễn ra ở một số ngân hàng, song cũng góp phần giúp doanh nghiệp có thêm động lực vượt qua khó khăn.
Về chính sách tài khóa, theo ông Lực, thu ngân sách nhà nước hiện đã vượt xa dự toán, nên có thể tính đến việc giảm thêm thuế, phí, tiếp tục kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng trong năm sau để giữ đà hồi phục cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đánh giá về triển vọng nền kinh tế Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, Việt Nam dự kiến GDP tăng trưởng 8% năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2023. Điểm tích cực là, những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt như dòng tiền, thanh khoản và giá cả nguyên vật liệu tăng đang có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Hiện tại, tỷ giá USD/VND đã giảm và ổn định hơn. Ông Dominic tin rằng, việc NHNN nới thêm tín dụng ra nền kinh tế sẽ hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Với doanh nghiệp Việt Nam, ông Dominic thừa nhận đang “cõng trên lưng” một khó khăn rất lớn, đó là khoản nợ trái phiếu với thời hạn trả dồn vào năm 2022 - 2024. Trong khó khăn này, ông Domic cho rằng, điều cốt yếu là doanh nghiệp phải giữ cam kết với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Với các nhà đầu tư lớn, trường sức hơn, doanh nghiệp có thể chọn cách đàm phán để cơ cấu lại thời gian trả nợ, chuyển nợ thành vốn cổ phần… Các doanh nghiệp Việt Nam cần ghi nhớ bài học về quản trị rủi ro, trong đó cần đặc biệt chú ý đến việc tổ chức một hội đồng quản trị cân bằng, có đủ thành viên hội đồng quản trị độc lập, có khả năng phản biện và nêu quan điểm trong các giao dịch với bên liên quan để giảm thiểu rủi ro từ bên trong. Ông Dominic khuyến nghị như vậy và cho rằng, việc thị trường tài chính quốc tế và thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu tăng trở lại phản ánh sớm khả năng “hạ nhiệt” những thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp và nền kinh tế đã phải trải qua.