Chuyển 3 dự án PPP thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang sử dụng vốn nhà nước: Chuyên gia và nhà đầu tư nói gì?

(BĐT) - Sau khi hủy sơ tuyển quốc tế, 8 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vẫn đang trong thời gian sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo dự kiến, 3 dự án sẽ được chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Sự chuyển hướng này thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia và nhà đầu tư.
Tổng mức đầu tư của 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công khoảng 33.600 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng mức đầu tư của 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam dự kiến chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công khoảng 33.600 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

3 dự án nêu trên gồm đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ mới đây về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng giao thông lớn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch Covid- 19, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các bộ liên quan chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo tìm hiểu, tổng mức đầu tư của 3 dự án khoảng 33.600 tỷ đồng. Hiện nay, cả 3 dự án PPP nêu trên đã có sơ bộ kết quả đánh giá sơ tuyển nhà đầu tư trong nước. Nếu được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi thì dự kiến trong quý II/2020, 3 dự án sẽ hủy kết quả sơ tuyển, chuyển đổi cơ cấu nguốn vốn; phân chia các gói thầu xây lắp và xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia ngành giao thông cho biết, việc chuyển đổi sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án PPP nói trên chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ của các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khi thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư cho các đoạn tuyến cao tốc theo phương thức PPP, việc lựa chọn sẽ tuân theo sự điều tiết của thị trường. Có 2 trường hợp xảy ra có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án PPP. Thứ nhất là qua sơ tuyển, đấu thầu rộng rãi nhưng không lựa chọn được nhà đầu tư “ưng ý”, đủ tầm, đủ lực để thực hiện, hoặc dự án không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư thì chúng ta phải chuyển hướng đầu tư dự án theo một phương thức khác. Thứ hai là chọn được nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án nhưng gặp “trục trặc” từ kênh vay vốn của tổ chức tín dụng. Còn khi dùng vốn đầu tư công để thực hiện các dự án này thì việc đẩy nhanh tiến độ sẽ dễ dàng hơn.

Đứng về góc độ nhà đầu tư, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - nhà đầu tư tham gia sơ tuyển tại nhiều dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho biết, trong 3 dự án PPP dự kiến chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có lưu lượng xe ít, lại đi qua vùng địa chất yếu nên khó thu hút nhà đầu tư tham gia bởi khả năng thu hồi vốn thấp, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có lưu lượng xe lưu thông khá tốt, khả năng thu hồi vốn rất cao, nhất là khi Sân bay Long Thành được đầu tư, đưa vào sử dụng. Từ khi sơ tuyển quốc tế đến sơ tuyển trong nước, dự án này thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Dự án đang trong quá trình sơ tuyển nhà đầu tư trong nước và 3 liên danh tham dự sơ tuyển đều là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và năng lực, kinh nghiệm tốt.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chuyển đổi phương thức đầu tư sang sử dụng nguồn vốn đầu tư công là Nhà nước nhận cái khó về mình, phải cân đối lại nợ công để tạo ra nguồn lực cho tuyến cao tốc được xem là động lực phát triển kinh tế đất nước. Nguồn lực đổ vào cao tốc Bắc - Nam phía Đông là không hề nhỏ, sẽ rất vất vả để cân đối được nguồn lực này. Tuy nhiên, nguồn lực này cũng đóng vai trò là “gói kích cầu” cho doanh nghiệp xây dựng, tạo ra khối lượng công việc lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.