Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa I (Đồng Nai): Loạt việc khó cần tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng Nai đang triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa I, theo đó mục tiêu là hoàn thành việc di dời các doanh nghiệp vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, tiến độ triển khai đang rất chậm bởi hàng loạt “việc khó” cần tháo gỡ. Đây là những vấn đề lớn, chưa có tiền lệ, khiến tỉnh Đồng Nai chưa định hình được giải pháp cụ thể.
Sau khi chuyển đổi công năng, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ trở thành khu đô thị - thương mại - dich vụ và trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Bình
Sau khi chuyển đổi công năng, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ trở thành khu đô thị - thương mại - dich vụ và trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Bình

Theo Đề án, KCN Biên Hòa I sẽ được chuyển đổi thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ (ĐT- TM- DV). Theo đó, hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư được tách thành 2 hồ sơ gồm: Dự án Khu vực trung tâm chính trị - hành chính Tỉnh (khoảng 44 ha) và Dự án Khu ĐT - TM - DV Biên Hòa I (khoảng 283 ha).

KCN Biên Hòa I hình thành từ năm 1963 và hiện có 76 doanh nghiệp đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động. Theo khái toán, khi thực hiện Đề án, cần hơn 7,5 nghìn tỷ đồng để di dời doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để di dời doanh nghiệp ra khỏi KCN Biên Hòa I, địa phương cần giải quyết 4 vấn đề.

Thứ nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, GPMB. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, do không xây dựng cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) riêng cho Đề án, nên nếu áp dụng theo mức bồi thường, hỗ trợ hiện hành thì rất khó nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp.

Thứ hai là cơ chế, chính sách liên quan đến chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực. Qua khảo sát nhu cầu hỗ trợ người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, trong hơn 5 nghìn lao động, có hơn 2 nghìn lao động muốn tiếp tục làm việc khi doanh nghiệp di dời đến nơi mới, gần 1 nghìn lao động muốn nghỉ việc, đề nghị được giải quyết chế độ. Với quỹ thời gian không còn dài, Đồng Nai cần giải bài toán an sinh như việc làm mới, hỗ trợ học nghề, bảo hiểm thất nghiệp, nghỉ hưu trước tuổi, hỗ trợ cho vay vốn…

Thứ ba là vấn đề TĐC khoảng 255 hộ dân trong ranh KCN Biên Hòa I. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án TĐC tại TP. Biên Hòa đang rất căng vì phải cân đối cho nhu cầu TĐC nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Trong thời gian 1 năm tới, việc TĐC cho người dân khó khả thi.

Thứ tư là việc xây dựng và thực hiện phương án bồi thường di dời các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và hệ thống hạ tầng kỹ thuật do Tổng công ty Sonadezi đã đầu tư xây dựng. Để thuận lợi cho công tác bồi thường, GPMB, TP. Biên Hòa đang kiến nghị Tỉnh cho phép kế thừa hồ sơ bồi thường, quyết định phê duyệt phương án bồi thường của các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Bổ sung giá đất, giá nhà, tài sản, vật kiến trúc, cây trồng trên đất tại thời điểm hiện tại làm cơ sở phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ.

Đại diện một doanh nghiệp có nhà máy tại KCN Biên Hòa I cho biết rất quan tâm đến cơ chế chính sách di dời để sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cũng trông chờ chính sách hoặc các chương trình vay vốn để triển khai đầu tư, xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới. Điều khó là, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai không có chức năng xây dựng chính sách này.

Ngoài công tác di dời doanh nghiệp, GPMB, TP. Biên Hòa đang triển khai nhiều đầu việc liên quan đến Dự án Xây dựng Khu Trung tâm chính trị của Tỉnh cũng như Dự Khu ĐT - TM - DV Biên Hòa I.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, Sở đang tổ chức thi ý tưởng quy hoạch toàn bộ khu vực chuyển đổi KCN Biên Hòa I để tìm kiếm ý tưởng quy hoạch đô thị tốt nhất, phát huy tối đa tiềm năng. Sau khi lựa chọn được phương án quy hoạch tối ưu nhất, sẽ tổ chức thi tuyển kiến trúc Trung tâm chính trị - hành chính của Tỉnh, dự kiến hoàn thành trong quý I/2025.

Đối với việc xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 (Khu ĐT - TM -DV Biên Hòa I), công tác khảo sát đã hoàn tất, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường trong nội bộ các khu còn lại sẽ hoàn thành vào quý I/2025. Theo đó, sau khi quy hoạch chi tiết được duyệt sẽ tiến hành lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để trình thẩm định và phê duyệt.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm bảo đảm tiến độ Đề án, Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị đầu mối tập trung nguồn lực hoàn thành các nhóm nhiệm vụ được giao. Hàng tháng, Tỉnh sẽ đánh giá kết quả công việc đã làm được, chỉ ra tồn tại và chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục