C/O - “Nỗi đoạn trường” của DN trước thềm EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực với dự báo sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Doanh nghiệp phản ánh có những C/O phải mất 2,5 tháng mới có được, trong khi thời gian xuất hàng từ Việt Nam đi Mỹ chỉ khoảng 45 - 48 ngày. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp phản ánh có những C/O phải mất 2,5 tháng mới có được, trong khi thời gian xuất hàng từ Việt Nam đi Mỹ chỉ khoảng 45 - 48 ngày. Ảnh: Lê Tiên

Tuy vậy, không ít DN cho biết, hiện còn gặp khó khăn, rào cản ngay từ phía trong nước. Hạn chế này nếu không được giải quyết thì DN khó tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Tâm tư trĩu nặng

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hôm qua (29/6) cho thấy, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%; nhập khẩu giảm 3%.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Với EVFTA, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân đầu người hơn 35.000 USD và mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. Ngoài ra, DN còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định”.

Các đánh giá về tác động của EVFTA cũng cho thấy, một số ngành hàng của Việt Nam như: dệt may, thủy sản, da giày… sẽ là những ngành được hưởng lợi nhất ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Dẫu vậy, nhiều DN xuất khẩu không khỏi tâm tư về các “hàng rào”. Liên quan đến câu chuyện xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để được hưởng ưu đãi thuế quan, một DN xuất khẩu đồ gỗ đánh giá đây là “nỗi đoạn trường” của DN. Cuối năm 2018, DN này bắt đầu xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đi thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Âu… Để xuất khẩu hàng, DN đều phải làm C/O thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhưng đây lại là “cửa ải” khó khăn nhất. “Có những C/O DN phải mất 2,5 tháng mới có được, trong khi thời gian xuất hàng từ Việt Nam đi Mỹ chỉ khoảng 45 - 48 ngày, tức là hàng sang đến đầu bên kia nhưng vẫn chưa có C/O. Điều này khiến nhiều lô hàng lỗ toàn bộ”, DN chua xót.

Chia sẻ với DN xuất khẩu, đại diện Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho biết, không lấy được C/O thì DN không có tiền. Ở CPTPP, EVFTA… các DN dệt may, da giày không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại.

Bên cạnh C/O, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết thêm, liên quan sản phẩm sơ chế và sản phẩm chế biến còn thiếu sự rõ ràng, thống nhất. Theo đó, mặc dù nhiều DN thủy sản có đầu tư lớn, thực hiện nghiêm ngặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn với nhiều bước chế biến nhưng lại không được hưởng thuế thu nhập DN ưu đãi. Lý do là các văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế lại áp đây là hàng sơ chế khiến DN thủy sản khổ sở. Một số DN khác thì chỉ ra, còn tình trạng một số cán bộ công chức vẫn gây khó khăn cho DN khiến DN tốn kém chi phí, thậm chí mất cơ hội.

Làm gì để hàng hóa xuất khẩu không bị trả về?

Theo dự kiến, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây. Để giúp các DN nắm bắt được cơ hội của Hiệp định, Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị, về phía Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường trao đổi, đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn DN tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại. Còn DN cần chủ động tìm hiểu Hiệp định, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định và thị trường EU.

Nhiều DN xuất khẩu không khỏi tâm tư về các “hàng rào”. Liên quan đến câu chuyện xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để được hưởng ưu đãi thuế quan, một DN xuất khẩu đồ gỗ đánh giá đây là “nỗi đoạn trường” của DN. Cuối năm 2018, DN này bắt đầu xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đi thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Âu… Để xuất khẩu hàng, DN đều phải làm C/O thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhưng đây lại là “cửa ải” khó khăn nhất.

Về câu chuyện C/O, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong một hiệp định thì phải chứng minh hàng hóa có xuất xứ, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định. “Để hàng hóa xuất khẩu không bị trả về thì phải đáp ứng quy tắc này”, bà Trang nhấn mạnh.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho rằng: “DN không nên nhìn nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU như những rào cản mà coi đây là tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Nếu DN thực sự xác định EU là thị trường của mình thì phải tìm cách nâng cao năng lực để đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu đó. Khi DN làm tốt hơn tiêu chuẩn đó thì cơ hội bán được hàng tăng lên…”.

Liên quan đến C/O, đại diện cơ quan hải quan cho biết, cơ quan hải quan sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI để chia sẻ những số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá DN, xếp hạng DN để dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho DN.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ, ông Trần Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty Ca cao Đồng Nai góp ý, các cơ quan quản lý nên áp dụng bằng tem, mã vạch trong từng khâu để truy suất nguồn gốc chuẩn, minh bạch, tạo điều kiện cho DN tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định.

Tin cùng chuyên mục