Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức: Chậm tiến độ, Bộ Y tế xin gia hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai (Dự án Cơ sở 2 BV Bạch Mai) và Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Dự án Cơ sở 2 BV Việt Đức), Bộ Y tế vừa xin Thủ tướng Chính phủ cho phép phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2022 và chuyển nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, 2017 sang năm 2021.
Tại các dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, việc áp dụng loại hợp đồng hỗn hợp là một trong những nguyên nhân chính làm tăng dự toán. Ảnh: Tiên Giang
Tại các dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, việc áp dụng loại hợp đồng hỗn hợp là một trong những nguyên nhân chính làm tăng dự toán. Ảnh: Tiên Giang

Thời gian thực hiện dự án theo Quyết định số 125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 2013 - 2016 và theo Quyết định phê duyệt dự án là 2015 - 2018, nhưng do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện 4 trong số 10 hợp đồng (HĐ) gói thầu xây lắp, dẫn đến tiến độ của cả 2 dự án bị kéo dài. Theo Bộ Y tế, việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2022 là để Chủ đầu tư có thể ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện HĐ với các nhà thầu, phục vụ việc thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành của 2 dự án, từ đó Bộ mới có thể phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu mua sắm trang thiết bị.

Cùng với việc xin gia hạn thời gian hoàn thành, Bộ Y tế còn xin Thủ tướng cho phép được điều chỉnh một số điều khoản của HĐ (đối với các nội dung công việc ký theo đơn giá điều chỉnh) của 2 dự án.

Nguyên tắc được đề xuất là giá trị HĐ điều chỉnh được xác định theo khối lượng thi công chi tiết và đơn giá chi tiết thương thảo với tổng thầu, đảm bảo giá trị HĐ sau khi điều chỉnh không được vượt giá trị dự toán xây dựng công trình được Bộ Xây dựng thẩm định, Bộ Y tế phê duyệt và không vượt tổng mức đầu tư của mỗi dự án. Việc thanh toán HĐ theo khối lượng thi công thực tế được nghiệm thu, đơn giá thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về quản lý HĐ và thanh toán vốn đầu tư. Điều chỉnh giá HĐ thực hiện theo phương pháp bù trừ trực tiếp, đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Thời điểm gốc được xác định tại thời điểm cho phép về cơ chế điều chỉnh HĐ.

Tính đến ngày 31/1/2021, Dự án Cơ sở 2 BV Bạch Mai giải ngân lũy kế 2.570/4.500 tỷ đồng (đạt 57% so với kế hoạch vốn); Dự án Cơ sở 2 BV Việt Đức giải ngân lũy kế 2.502/4.500 tỷ đồng (đạt 55,6% so với kế hoạch vốn).

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành nêu trên, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn Bộ Y tế về điều chỉnh HĐ và đẩy nhanh việc thẩm định dự toán thiết kế kỹ thuật đối với các hạng mục còn lại của 2 dự án.

Về vốn, Bộ Y tế xin Thủ tướng cho phép chuyển 1.277,37 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2016 sang năm 2021 và 71,3 tỷ đồng của Dự án Cơ sở 2 BV Bạch Mai thuộc kế hoạch vốn năm 2017 (đã được chuyển sang năm 2018) được chuyển nguồn sang năm 2021 để có nguồn vốn hoàn thành Dự án.

Có nhiều nguyên nhân gây chậm tiến độ, nhưng theo Bộ Y tế, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là khâu thực hiện và điều chỉnh 4 trong số 10 HĐ gói thầu xây lắp của 2 dự án (2 HĐ xây dựng khối nhà chính, 2 HĐ thi công hạ tầng kỹ thuật). 4 HĐ này là loại HĐ hỗn hợp, nhưng lại không theo dạng EPC, cũng không theo loại HĐ truyền thống, mà theo HĐ khung, nội dung chi tiết được triển khai theo các phụ lục HĐ có giá trị chi tiết theo dự toán thiết kế bản vẽ thi công được duyệt theo đúng nội dung HĐ khung làm giá thanh toán khối lượng hoàn thành. Khối lượng trong khái toán tổng mức đầu tư ban đầu làm căn cứ mời thầu chưa được tính toán chi tiết, đầy đủ và chỉ có số liệu tổng hợp. Căn cứ vào các bản vẽ thiết kế cơ sở ban đầu chỉ tính toán được các khối lượng chính, phần cơ điện khái toán theo hệ thống, chưa có đơn giá chính xác… Mặt khác, cho đến nay, pháp luật chưa có quy định nào về phương pháp điều chỉnh HĐ hỗn hợp.

Việc chưa điều chỉnh được HĐ dẫn đến chỉ tạm ứng và thanh toán được một phần theo quy định cho nhà thầu, trong khi vốn được cấp cho dự án không giải ngân được. Chưa ký được phụ lục điều chỉnh HĐ nên nhà thầu cũng không thể vay ngân hàng để tiếp tục thi công, dự án không tạm ứng tiếp được cho nhà thầu nên các nhà thầu gặp khó khăn về vốn, phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.

Việc phê duyệt và thực hiện loại HĐ hỗn hợp tại 2 dự án này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là chưa thật sự phù hợp, là một trong những nguyên nhân chính làm tăng dự toán, vượt giá trị HĐ.

Thực tế, giá dự toán theo thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công của 4 gói thầu này so với giá trị HĐ ban đầu đã ký đều vượt trên 10% dự phòng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý rằng, việc điều chỉnh HĐ là thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư và nhà thầu. Đối với HĐ đã ký, nếu điều chỉnh HĐ, thì Bộ Y tế phải rà soát kỹ khối lượng công việc, đơn giá đảm bảo phù hợp quy định pháp luật hiện hành và không gây thất thoát, lãng phí.

Tin cùng chuyên mục