Công trình kém chất lượng: Trách nhiệm thuộc về ai?

(BĐT) - Thời gian qua đã liên tiếp xảy ra nhiều câu chuyện báo động về chất lượng yếu kém của các công trình xây dựng. Và mới đây nhất, báo chí liên tục phản ánh về việc nhà thầu Trung Quốc thi công gian dối tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Vậy ai phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, chủ đầu tư và tư vấn có “vô can” nếu để nhà thầu “tự tung tự tác” trong quá trình thi công xây dựng công trình?

Các chủ thể liên quan phải chịu trách nhiệm

Liên tiếp các sự cố công trình xảy ra đã khiến dư luận quan ngại về chất lượng của các công trình xây dựng. Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 18, Nhà máy Alumin Nhân Cơ mới vận hành thử đã xảy ra sự cố tràn kiềm, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại bị tố là nhà thầu Trung Quốc làm ăn gian dối và nghi vấn có sự tiếp tay của người Việt Nam.

Một điều mà dư luận quan tâm là một dự án lớn như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (có tổng mức đầu tư 1.472 triệu USD), chủ yếu từ nguồn vay ODA, đáng ra phải được quản lý chặt chẽ. Thế nhưng, một số bài báo gần đây đã đặt vấn đề về trách nhiệm của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong việc quản lý dự án này. Theo phản ánh của người dân, dù VEC đã có các văn bản cảnh báo nhà thầu thi công, nhân sự quản lý dự án, nhưng trên thực tế đấy chỉ là “động tác giơ cao đánh khẽ” vì hiện tại, các vị trí mà nhà thầu Trung Quốc làm ăn gian dối vẫn tồn tại, hoặc chỉ khắc phục lấp liếm, không đào bỏ hàng chục vạn khối đất đá, bùn lầy… ra khỏi công trình; các nhân sự bị cảnh cáo hiện vẫn đang điều hành, phụ trách công việc tại công trình.

Theo các chuyên gia về xây dựng, để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm, vấn đề là phải xác định được chính xác nguyên nhân kỹ thuật của “lỗi” ở khâu nào vì hệ thống pháp luật hiện nay đã quy định rất đầy đủ trách nhiệm của các bên liên quan.

Khoản 6 Điều 4 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng quy định: Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (gồm nhà thầu; chủ đầu tư; cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình, thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng…) chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định về trách nhiệm của các bên liên quan đối với chất lượng công trình xây dựng đã có từ rất lâu và trách nhiệm này đi theo hết cả vòng đời dự án, chứ không chỉ là trong giai đoạn bảo hành dự án.

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 4 chủ thể liên quan trực tiếp đến quá trình thi công công trình gồm: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và tư vấn giám sát. Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, về trách nhiệm của các bên liên quan đều đầy đủ. Khi xảy ra sự cố công trình hoặc phát hiện các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thì phải xác định rõ nguyên nhân, mức độ thiệt hại để từ đó tiến hành xử lý hành chính hay phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự…

“Xử không tới nơi” là lỗi của chủ đầu tư

Để tránh trường hợp chủ đầu tư nể nang, xử lý hình thức đối với nhà thầu vi phạm thì báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng phải đưa vấn đề ra công luận, tạo sức ép để chủ đầu tư phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trước khi mọi việc quá muộn
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu. Và sau nhà thầu là trách nhiệm của tư vấn giám sát, nếu giám sát tốt thì không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Dù có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng, đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột công trình”.

Trao đổi với ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng VEC về câu chuyện thi công gian dối của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì ông Chung cho biết, quy trình kiểm soát thi công của VEC hiện nay rất chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm và chế tài xử lý đối với từng vị trí công việc đảm nhận. Chủ đầu tư cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu tư vấn giám sát chặt nhà thầu thi công, cương quyết với nhà thầu nếu vi phạm, vì nếu buông lỏng, nếu xảy ra sự cố công trình, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước Nhà nước và nhân dân về chất lượng công trình.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Chủng cho biết, cách xử lý của nhiều chủ đầu tư hiện nay vẫn thiếu kiên quyết, “xử không tới nơi”. Khi phát hiện nhà thầu vi phạm thì chủ đầu tư phải làm mạnh, yêu cầu nhà thầu vi phạm đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả, trong trường hợp cần thiết phải khởi kiện nhà thầu ra tòa. Chủ đầu tư là đại diện cho cơ quan nhà nước, trong tay nắm quyền hành mà khi thấy sai phạm lại không xử lý thì đấy là lỗi của chủ đầu tư, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân về vấn đề này. Theo ông Trần Chủng, để tránh trường hợp chủ đầu tư nể nang, xử lý hình thức đối với nhà thầu vi phạm thì báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng phải đưa vấn đề ra công luận, tạo sức ép để chủ đầu tư phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trước khi mọi việc quá muộn.