“Cửa sáng” cho doanh nghiệp dầu khí nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá dầu dự báo tiếp tục neo ở mức cao, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng - dầu tăng theo sự tăng trưởng của nền kinh tế cùng tiến triển của đại Dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng tiếp tục là động lực duy trì tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) dầu khí trong nửa cuối năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp dầu khí như PV Coating, PV Drilling, PTSC… đạt kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: Hoàng Hà
Nhiều doanh nghiệp dầu khí như PV Coating, PV Drilling, PTSC… đạt kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: Hoàng Hà

Thượng nguồn tích cực, trung - hạ nguồn còn khó khăn

Sau giai đoạn khó khăn với 10/14 quý thua lỗ trong giai đoạn 2020 - 2023, kết quả kinh doanh của Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating) - đơn vị thành viên của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và là DN đầu ngành trong lĩnh vực bọc ống dầu khí tại Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố, doanh thu thuần của PV Coating trong quý này đạt 64 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt 11,8 tỷ đồng, tăng 254,3% nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên 18,4% so với mức 6,3% của cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 6,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của PV Coating đạt 187,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 32 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả này đến từ việc Công ty đã thực hiện và ghi nhận kết quả của các gói thầu bọc ống tại các dự án như: Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Đại Hùng - Pha 3… trúng thầu trong năm 2023.

Tại Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), quý II/2024, lợi nhuận trước thuế đạt 205,8 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này chủ yếu do quý II/2023, PV Drilling có khoản thu nhập khác đột biến từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng. Hiệu quả hoạt động kinh doanh chính của Công ty vẫn tích cực khi doanh thu thuần quý II/2024 đạt 2.254 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 469,4 tỷ đồng, tăng 30,9%. Thị trường giàn khoan tiếp tục sôi động với nhu cầu và đơn giá thuê giàn ở mức cao là động lực hỗ trợ hoạt động kinh doanh chính của PV Drilling phục hồi.

Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý II/2024 giảm 3,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 280 tỷ đồng do áp lực tăng chi phí nhân công, chi phí thuê ngoài… và chi phí tài chính (chủ yếu do lỗ tỷ giá). Tuy nhiên, doanh thu thuần của PTSC trong quý tăng tới 18,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 5.577 tỷ đồng nhờ sự khởi sắc của mảng cơ khí và xây dựng phản ánh khối lượng công việc tăng lên thời gian qua. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của PTSC đạt 9.287 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 648,4 tỷ đồng, tăng 16,1%.

Kết quả kinh doanh tại các DN dầu khí thuộc phân khúc thượng nguồn khá tích cực, trong khi tình hình tại nhóm trung và hạ nguồn có phần khó khăn hơn.

Tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), ước tính doanh thu nửa đầu năm 2024 đạt 64,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6 nghìn tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lý giải của lãnh đạo Tổng công ty, sự suy giảm nguồn khí nội địa diễn ra nhanh hơn dự báo, những vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư, sản xuất kinh doanh là những khó khăn mà PV Gas đang phải đối diện.

Cụ thể, nguồn cung khí nội địa trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 83% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt sản lượng khí khu vực Đông Nam Bộ chỉ bằng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ suy giảm là 23%, gấp đôi so với tốc độ suy giảm dự báo từ đầu năm (10 - 15%). Tổng sản lượng khí cấp về bờ giảm khoảng 700 triệu m3 so với nửa đầu năm 2023 khiến PV Gas sụt giảm 5 nghìn tỷ đồng doanh thu và giảm gần 1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận.

Trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ xăng dầu, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) có doanh thu quý II tăng 55,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm sâu khiến giá trị thu về chỉ tương đương quý II/2023. Mặt bằng lãi suất giảm làm giảm khoản thu nhập từ lãi tiền gửi cùng tỷ giá tăng cao và nhiều chi phí khác cũng kéo giảm 45,4% lợi nhuận của PV Oil trong quý II/2024, về mức 136,6 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa báo cáo doanh thu giảm 27,4% trong quý II/2024, lợi nhuận trước thuế giảm 43%, đạt 840 tỷ đồng, chủ yếu do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 trong quý.

Triển vọng tích cực nửa cuối năm

Trong nửa cuối năm 2024, triển vọng kinh doanh của DN ngành dầu khí được đánh giá khả quan.

Tại phân khúc thượng nguồn, việc giá dầu duy trì trên mức 80 USD/thùng và được dự báo có thể gia tăng trong nửa cuối năm do tính chu kỳ hàng năm, sự phục hồi nhu cầu theo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và xung đột chính trị - quân sự căng thẳng được đánh giá sẽ làm tăng nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí và đơn giá các dịch vụ.

Tại thị trường trong nước, việc nền kinh tế tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm và được dự báo tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu.

Đáng chú ý, đại Dự án Lô B - Ô Môn đã đạt được một số bước tiến trong nửa đầu năm nay. Vào cuối tháng 3/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký kết các thỏa thuận nền tảng bao gồm: GSPA (thỏa thuận mua bán khí giữa thượng nguồn và trung nguồn); GTA (thỏa thuận vận chuyển khí); GSA (thỏa thuận bán khí) cho Nhà máy Ô Môn 1. Ngay sau đó, Tập đoàn Mitsui & Co., Ltd (Nhật Bản) thông qua công ty con là Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng cho Dự án khai thác khí Lô B và ký kết các hợp đồng liên quan cùng các đối tác kinh doanh. Đầu tháng 7/2024, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và các tổ chức cho vay tư nhân đã thu xếp cấp khoản vay khoảng 832 triệu USD cho Dự án Lô B - Ô Môn…

Trong lĩnh vực chế biến xăng dầu, sau khi hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 với thời gian hơn 40 ngày, sản lượng tiêu thụ cùng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của BSR dự báo sẽ phục hồi tốt trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Cuối tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã công bố Dự thảo lần thứ 3 của Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, các quy định tại Dự thảo lần 3 hướng tới việc phản ánh sát sao hơn chi phí kinh doanh thực tế của các DN kinh doanh xăng dầu thông qua việc giảm thời gian điều hành của một số khoản mục trong công thức giá bán tối đa, từ đó theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và các chi phí vận tải, bốc dỡ, hao hụt liên quan. Ngoài ra, Dự thảo cũng đơn giản hóa quá trình tính toán giá xăng dầu bán lẻ khi không còn quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Các thay đổi trên sẽ hỗ trợ nhiều nhất cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thị phần lớn với khả năng kiểm soát tốt chi phí đầu vào.

Tin cùng chuyên mục