Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội đã cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam vay số tiền hàng nghìn tỷ đồng trên hồ sơ vay vốn bị lập khống. Ảnh: Nhã Chi |
Tại phiên tòa, Agribank đề nghị Tòa án yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam xem xét xác minh số tiền 80 triệu USD đang bị phong tỏa tại ngân hàng nước ngoài.
Ngân hàng “đòi” doanh nghiệp bồi thường
Số tiền nêu trên, tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội, Chử Thị Kim Hiền, nguyên Phó Giám đốc đã khai đây là tiền của Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội giải ngân để mua 6 thương hiệu. Một số luật sư cũng đề nghị xác minh làm rõ để thu hồi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, trong Đơn kháng cáo, Agribank đề nghị cơ quan chức năng xác minh làm rõ và tuyên trả lại cho Ngân hàng để xử lý thu hồi nợ giảm thiệt hại xảy ra từ vụ án. Ngoài ra, Agribank cũng kháng cáo phần dân sự đề nghị Tòa án buộc các doanh nghiệp (DN) là Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, Công ty CP Enzo Việt, Công ty CP Lifepro Việt Nam, Công ty CP Vietmade có trách nhiệm trả nợ cả gốc và lãi cho Ngân hàng. Theo Agirbank, đây là các DN nhận và trực tiếp sử dụng tiền vay từ ngân hàng nên các DN này phải có nghĩa vụ khắc phục thiệt hại.
Để đảm bảo quyền lợi, Ngân hàng cũng đề nghị Tòa án tính đúng, tính đủ số tài sản bị lừa đảo theo các hợp đồng tín dụng, các bản phụ lục hợp đồng cùng lãi phát sinh. Từ đó, tuyên buộc phải trả các khoản nợ gốc và lãi theo nguyên tắc pháp luật dân sự và pháp luật về tín dụng. Sau này, nếu bắt được nhóm bị can nước ngoài lừa đảo, Agribank sẽ có căn cứ từ Bản án để yêu cầu bồi thường.
Đề nghị Công ty Dệt 19/5 tham gia tố tụng
Theo tài liệu truy tố, Liên doanh Lifepro đã hợp tác với các công ty gồm Công ty CP Lifepro Việt Nam, Công ty CP Vietmade (cùng do Lê Minh Hiếu làm Giám đốc), cùng ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho dự án. Trong quá trình này, các đối tượng đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang. Sau đó, đưa vào hồ sơ vay vốn để ngân hàng giải ngân. Lê Minh Hiếu được chia 19 tỷ đồng cho phi vụ này và lại quả cho Phạm Thị Bích Lương 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không buộc Lê Minh Hiếu trả lại khoản tiền này. Do đó, Ngân hàng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và buộc Lê Minh Hiếu phải hoàn trả toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính để khắc phục thiệt hại.
Đáng chú ý, một khoản hơn 20 tỷ đồng nguyên phụ liệu đã được mua từ số tiền vay của Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội nhưng không được hoàn trả cho Ngân hàng. Bị cáo Phạm Thị Bích Lương đã khai toàn bộ số nguyên phụ liệu nói trên là do Liên doanh Lifepro Việt Nam dùng tiền vay từ Chi nhánh Nam Hà Nội để mua của Công ty Dệt 19/5.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án không triệu tập Công ty Dệt 19/5. Ngân hàng Agribank cho rằng, cần phải đưa Công ty Dệt 19/5 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng để xác định rõ nguồn gốc số nguyên phụ liệu nói trên.
Thừa nhận quy trình thẩm định thiếu sót
Tại phiên tòa phúc thẩm, trả lời chủ tọa về việc thẩm định của Chi nhánh Nam Hà Nội đối với tài sản đảm bảo các khoản vay của Công ty CP Enzo Việt, bị cáo Kiều Trọng Tuyến – cựu Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, quy trình thẩm định không đúng và là thiếu sót.
Lời khai của bị cáo Đỗ Tiến Long, cựu cán bộ tín dụngcho biết, tài liệu đánh giá thẩm định dự án của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam là một tài liệu không có thật dẫn đến hàng loạt sai phạm sau đó trong việc giải ngân, nâng quyền phán quyết cho cựu Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội.
Trước đó, trong giai đoạn 2011-2012, Chi nhánh Nam Hà Nội đã cho Liên doanh Lifepro vay số tiền hàng nghìn tỷ đồng nhưng hồ sơ vay vốn bị lập khống và tài sản bảo đảm không đủ hoặc kê khống. Việc này dẫn đến khoản thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho Agribank.