Đã giải ngân 48 nghìn tỷ đồng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra ngày 3/8/2022, đến nay, thống kê sơ bộ các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Cụ thể, đến ngày 21/7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân thực hiện 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng trên 19 nghìn tỷ đồng kế hoạch năm 2022 (tăng gần 2 lần so với tháng 5/2022). Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 6,941 nghìn tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến 690 tỷ đồng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 1,420 nghìn tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 111 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất khoảng 60,229 nghìn tỷ đồng.

Đến ngày 22/7/2022, đã thực hiện giải ngân 196,7 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 344 nghìn người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Đến nay đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 31 nghìn tỷ đồng.

Hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng đến hết tháng 6/2022. Đối với kỳ báo cáo tháng 7/2022, Bộ Tài chính chưa báo cáo cụ thể về số liệu nêu trên, tuy nhiên đã gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 41,6 nghìn tỷ đồng, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước là 1,458 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, ước tính đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 trong 7 tháng đầu năm khoảng 8,909 nghìn tỷ đồng (không thuộc phạm vi Chương trình).

Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất cho vay (2%/năm) còn chưa đạt tiến độ đề ra, chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri, người dân và doanh nghiệp, phần nào tác động hiệu quả của Chương trình. Theo đánh giá, một số lý do dẫn đến tình trạng này bao gồm: việc phân bổ nguồn vốn NSTW để thực hiện còn chưa kịp thời; còn tâm lý ngại ngần, sợ sai, lúng túng trong triển khai; các đối tượng thụ hưởng đa dạng, cần thời gian rà soát, việc xác định còn khó khăn; việc ban hành một số ít văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền các bộ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Tình hình ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đến nay, đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, đã ban hành 14/17 văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Tin cùng chuyên mục