Đà Nẵng phân cấp mạnh trong đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Đà Nẵng mới đạt 26,4%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch Chính phủ giao (42,35%), trong khi còn chưa đầy 5 tháng nữa là đến thời điểm 31/1/2024 phải giải ngân 100% vốn kế hoạch. Để đảm bảo tiến độ giải ngân, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo Đà Nẵng, các sở, ngành và chủ đầu tư được giao vốn lên kế hoạch triển khai.
Dự án Vành đai phía Tây 2 Đà Nẵng là một trong những dự án vướng mắc thủ tục để giải ngân nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hà
Dự án Vành đai phía Tây 2 Đà Nẵng là một trong những dự án vướng mắc thủ tục để giải ngân nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hà

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Đà Nẵng, đến thời điểm này, tổng kế hoạch vốn năm 2023 của Thành phố, bao gồm vốn giao theo dự toán năm 2023 và vốn kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 là 8.236,066 tỷ đồng, đã được phân bổ 100%, trong đó có 30 công trình, dự án động lực, trọng điểm được phân bổ chi tiết 100% kế hoạch giao. Một số đơn vị, ban quản lý có tỷ lệ giải ngân đạt mức khá như: Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư các công trình giao thông với 202,120 tỷ đồng, đạt 34%; Ban QLDA hạ tầng và phát triển đô thị với 456,591 tỷ đồng, đạt 30,1%; Ban QLDA phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao đạt 37%...

Mặc dù vậy, nhìn lại 8 tháng qua, công tác giải ngân đầu tư công tại Đà Nẵng khá trầm lắng, với tỷ lệ giải ngân toàn Thành phố mới đạt 26,4%. Điểm kỳ vọng tới đây là những dự án đang được hoàn tất thủ tục khởi công và dự án mới được khởi công xây dựng, trong đó có Dự án Đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu, tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Ngay sau khởi công, Dự án Đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu sẽ hấp thụ 362 tỷ đồng trong năm 2023 đối với gói thầu xây lắp. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc thi công thực tế trên công trường Dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ hấp thụ vốn đầu tư và thúc đẩy hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Cũng liên quan đến lĩnh vực hạ tầng, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban QLDA đầu tư các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết đang thực hiện đồng thời đánh giá tác động môi trường, hoàn thành hạng mục tư vấn thiết kế để khởi công đoạn tuyến cuối cùng tại Dự án Đường vành đai phía Tây 1 (dài khoảng 1,3 km), tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Theo ông Huy, Dự án trước đây được đầu tư theo hình thức BT, nhà đầu tư là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Trung Nam, nhưng sau đó nhà đầu tư không triển khai nên giao lại cho Ban Giao thông thực hiện. “Trong phạm vi Dự án có một số mỏ đất, trữ lượng khoảng 500 nghìn m3, phải chuyển ra ngoài phục vụ các khu tái định cư nên Chủ đầu tư đang hoàn thiện đánh giá tác động môi trường. Theo kế hoạch, quý IV sẽ chọn được nhà thầu khởi công xây dựng”, ông Huy cho biết thêm.

Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 100%, theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, các chủ đầu tư phải bám sát, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành thi công, có khối lượng thanh quyết toán các công trình: tuyến Vành đai phía Tây 2 đoạn từ đường số 8 đến cuối tuyến Nam hầm Hải Vân; tuyến cống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành; tuyến ống thu gom nước thải Đường 2 Tháng 9 (đoạn từ Phan Thành Tài đến Thăng Long); khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh; Dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam; Dự án Xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3); Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu…

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án: Nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3; Tuyến kênh thoát nước từ Khu tái định cư Hòa Nhơn ra sông Túy Loan; Bệnh viện Đà Nẵng - mở rộng, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ; Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ); Hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư Dự án Chợ đầu mối Hòa Phước; Khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 2; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua TP. Đà Nẵng; Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò…

“Những chính sách cũng như các quyết định để phân cấp cho quận, huyện phê duyệt phương án tái định cư, ban hành suất tái định cư tối thiểu, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, chính sách đền bù đối với vật kiến trúc cũng như phân cấp cho quận, huyện trong việc xây dựng giá đất đã được Thành phố ban hành. Vì vậy, các địa phương, ban, ngành chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố nếu giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch”, đại diện Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết.

Ông Lê Trung Chinh lưu ý các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công; ban hành chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban QLDA, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư.

Tin cùng chuyên mục