Tòa cấp sơ thẩm đã yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ về 4.500 tỷ đồng được chuyển tới VNCB để chuẩn bị cho đợt tăng vốn điều lệ. Ảnh: st |
Sau vụ án gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại VNCB, bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục bị truy tố, điều tra, xét xử trong vụ án gây thiệt hại 6.100 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng tiền gửi của VNCB để làm tài sản bảo đảm cho 29 công ty vay tiền tại 3 ngân hàng Sacombank, TP Bank, BIDV. Sau đó, các công ty này đã không trả nợ, các ngân hàng đã tất toán tiền gửi để thu hồi nợ. Việc này gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB. 29 công ty này do Phạm Công Danh lập ra, điều hành hoặc mượn pháp nhân.
Trong đó, tại BIDV, có 12 công ty được cấp tín dụng, giải ngân với số tiền 4.700 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là tiền gửi 3.070 tỷ đồng của VNCB tại BIDV. Khoản tiền này đã được BIDV xử lý để thu hồi nợ.
Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 29/10/2013 đến ngày 28/11/2013, số tiền 4.700 tỷ đồng BIDV giải ngân vào tài khoản của 4 công ty. Các công ty này chuyển tiền đến tài khoản của 19 cá nhân. Các cá nhân này rút tiền mặt và chuyển vào tài khoản 3 công ty khác để sử dụng cho việc tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 2/2018, số tiền này đang ở đâu đã được các luật sư xới lên. Được biết, 4.500 tỷ đồng đã được chuyển tới VNCB để chuẩn bị cho đợt tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau đó, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận cho VNCB tăng vốn điều lệ mà ban hành quyết định mua bắt buộc đối với ngân hàng này. Tại phiên tòa, đại diện CB Bank không thể trả lời được khoản tiền này đang ở đâu mà chỉ nêu chung chung số tiền đã hòa vào dòng tiền của VNCB.
Trong khi đó, ý kiến các luật sư cho rằng đây là số tiền các cổ đông chuyển vào VNCB với mục đích góp vốn khi VNCB tăng vốn điều lệ. Sau khi không tăng được vốn điều lệ từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng, số tiền các cổ đông cá nhân và pháp nhân khác chuyển vào VNCB (4.500 tỷ đồng) không được xem là vốn điều lệ nhưng cũng không được trả lại cho các cá nhân. Sau đó phía CB Bank đã không thực hiện theo dõi số liệu tại ngân hàng. Nếu VNCB không tăng vốn điều lệ thì phải trả lại số tiền này cộng với lãi từ đó đến nay.
Để làm rõ nội dung này, Tòa cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ tại thời điểm Phạm Công Danh bị khởi tố, bắt tạm giam, VNCB có bao nhiêu tiền, những khoản tiền gì, đang ở đâu; nợ phải thu, phải trả của VNCB, từ đó làm rõ khoản tiền 4.500 tỷ đồng được VNCB sử dụng như thế nào, có còn ở VNCB hay không, được hạch toán sử dụng ra sao?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản và làm việc với Ngân hàng Xây dựng (sau khi bị mua bắt buộc đổi tên là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB Bank). Theo đó, tại thời điểm ngày 26/7/2014, VNCB có số dư khả dụng là 6.300 tỷ đồng bao gồm 170 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là tiền gửi và vàng tại các tổ chức tín dụng khác (bao gồm cả 1.835 tỷ đồng tại Sacombank và 1.727 tỷ đồng tại TP Bank - đã bị các ngân hàng này tất toán để thu hồi nợ các công ty của Phạm Công Danh).
Đầu ngày 14/2/2014, VNCB có lượng tiền mặt, tiền gửi tổng cộng là 13.915 tỷ đồng bao gồm cả 3 khoản tiền gửi tại Sacombank, BIDV, TP Bank đang bị truy cứu trong vụ án này. Nhưng đến cuối ngày 26/7/2014, số dư chỉ còn 6.300 tỷ đồng như đã nói ở trên (bao gồm khoản tiền gửi tại Sacombank, TP Bank).
Như vậy, số dư khả dụng của VNCB đã giảm 7.600 tỷ đồng và được sử dụng cho nhiều mục đích. Bản Kết luận điều tra bổ sung xác định, số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung của VNCB và không thể bóc tách chi tiết sử dụng như thế nào.
Cũng theo Kết luận điều tra bổ sung, ngày 5/3/2015, VNCB đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB Bank) - ngân hàng 100% vốn nhà nước. Sau đó, CB Bank có xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn. Do đó, CB Bank chưa xử lý điều chỉnh hạch toán 4.500 tỷ đồng.
CB Bank cho biết sẽ chờ kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án này và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để hạch toán số tiền này.