Đất lành chim đậu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng vạn doanh nghiệp được thành lập, đang hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các địa phương, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế là kết quả của thời gian dài các tỉnh, thành phố nói riêng và cả nước nói chung thực hiện phương châm “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” và sau này là “gõ cửa doanh nghiệp, mời gọi đầu tư”.
THACO là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên mở đường cho Quảng Nam và ngành công nghiệp ô tô cả nước vươn lên từ dải đất miền Trung khô cằn. Ảnh: Lê Tiên
THACO là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên mở đường cho Quảng Nam và ngành công nghiệp ô tô cả nước vươn lên từ dải đất miền Trung khô cằn. Ảnh: Lê Tiên

“Quả ngọt”

Vùng đất huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) gần 20 năm về trước bạt ngàn cát trắng và xương rồng nay đã được lấp đầy bằng chuỗi các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO). Ít ai biết rằng, THACO đến với Chu Lai từ một “mối lương duyên đặc biệt”.

Năm 2003, Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai được Chính phủ cho phép thành lập. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khi ấy đã vào phía Nam gặp gỡ các doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư. Tại đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO đã bằng lòng với “cái gật đầu quyết định”, mở đường cho sự phát triển của THACO, cho Quảng Nam và ngành công nghiệp ô tô với nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải, xe bus đầu tiên, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, công suất 25.000 xe/năm trên diện tích 36 ha. Từ đó đến nay, THACO đã mở rộng diện tích đầu tư lên hơn 1.280 ha, tổng vốn 80.500 tỷ đồng, gồm 35 công ty, đơn vị và hơn 9.700 nhân sự.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ, khi nghe ông Trần Bá Dương nói, trình bày ngay lập tức lãnh đạo Quảng Nam có niềm tin là THACO sẽ làm và thành công. Cơ sở để THACO thành công chính là yếu tố con người. “THACO và cá nhân ông Trần Bá Dương không chỉ tạo dựng được niềm tin đối với chính quyền và người dân Quảng Nam, mà còn giúp chính quyền Quảng Nam tự tin hơn vào hành động của mình”, ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết.

Nếu THACO là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên mở đường cho Quảng Nam và ngành công nghiệp ô tô cả nước vươn lên từ dải đất miền Trung khô cằn, khắc nghiệt thì 10 năm sau đó ở phía Bắc ghi cột mốc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi Tập đoàn Samsung quyết định đầu tư vào đây (năm 2013). Samsung mang đến động lực mạnh mẽ cho kinh tế địa phương, tạo ra sự chuyển mình chưa từng có về bất động sản công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng và công nghiệp công nghệ cao vốn còn xa lạ với Việt Nam. Nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở Phổ Yên (Thái Nguyên) tạo ra việc làm cho gần 70.000 lao động địa phương đã trở thành hiện tượng FDI lúc bấy giờ. Liên tục các năm sau đó, Samsung thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Cho đến thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư của Samsung đạt trên 7,5 tỷ USD (chiếm gần 73% trong tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh) cho các dự án tại Thái Nguyên.

Giữa rất nhiều địa phương, tại sao Samsung lại đặt nhà máy sản xuất lớn nhất tại Thái Nguyên? Tại một hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo Samsung cho biết, yếu tố thành công của Tập đoàn phải kể đến sự nhiệt huyết và quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. “Trong khi cân nhắc địa điểm đầu tư, Samsung đã thấy, điểm khác biệt rõ nét của Thái Nguyên với các địa phương khác ở chỗ lãnh đạo chính quyền địa phương rất tích cực và nhiệt huyết. Tất nhiên, hạ tầng của Thái Nguyên cũng rất tuyệt vời”, lãnh đạo Samsung chia sẻ thêm.

Trong quá trình phát triển đất nước, những nhà đầu tư mang sứ mệnh dẫn đường và lan tỏa cứ từng bước xuất hiện, vươn vai đứng dậy thành người khổng lồ, góp phần tạo nguồn thu cho quốc gia, công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đầu thập niên những năm 2000, cái tên Vincom và Vinpearl xuất hiện, làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất. Từ những dự án đầu tiên tại Việt Nam là khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo Hòn Tre ở Nha Trang (Vinperl Land Nha Trang) đến Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu (tổ hợp thương mại đầu tiên tại Việt Nam), Tập đoàn Vingroup có tốc độ phát triển thần kỳ trong suốt 2 thập niên đầu thế kỷ 21 với hàng loạt dự án tầm cỡ như Vincom TP.HCM, Times City, Royal City, Vinhomes Riverside, Vinhome Ocean Park… Bên cạnh đó là các dự án ở lĩnh vực giáo dục, y tế và đặc biệt gần đây là thương hiệu ô tô Vinfast.

Bên cạnh Vingroup lừng lẫy, một thương hiệu xuất hiện cách đây 17 năm, khởi nghiệp ở Đà Nẵng cũng đã thành doanh nghiệp toàn cầu và đỉnh Bà Nà, cao hơn mực nước biển gần 1.500 m là nơi Sun Group bắt đầu cho hành trình khai mở với dự án Sun World Bà Nà Hills. Sự thành công của Sun World Bà Nà Hills là động lực để Sun Group tiếp tục mở rộng con đường phát triển với chuỗi công viên Phú Quốc, Quảng Ninh, Sapa, Núi Bà Đen (Tây Ninh)... Bên cạnh việc phát triển lĩnh vực vui chơi giải trí, từ năm 2013, Sun Group đã góp phần ghi dấu Việt Nam trên bản đồ nghỉ dưỡng cao cấp thế giới với tổ hợp khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resorts; Sun Premier Village. Từ Đà Nẵng phồn hoa đến đảo ngọc Phú Quốc, từ Sapa lãng mạn, núi Bà Đen trong mây đến Hạ Long kỳ vĩ, Sun Group bước sang lĩnh vực dự án hạ tầng bằng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư và vận hành…

Địa phương tiếp tục mời gọi

Samsung Thái Nguyên, Sunword Bà Nà Hill, Thaco Chu Lai; VinPearl của Vingroup… là những thương hiệu danh tiếng, đại diện cho thành công của rất nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Từ những doanh nghiệp đầu đàn này, kinh tế Việt Nam đang hy vọng và hào hứng đón những dự án đầu tư quy mô ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, hạ tầng cảng biển, điện khí hay lọc hóa dầu... Để có thể đưa “đại bàng” về làm tổ, thể chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đang được các địa phương nỗ lực đưa vào cuộc sống, vận dụng sáng tạo nhằm xây dựng ưu thế cạnh tranh vượt trội. Nhiều địa phương phía Nam đang được nhà đầu tư ghi nhận là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI với số vốn lớn và sử dụng công nghệ cao.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch Tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2024 với chủ đề “Kết nối - Hội nhập - Cất cánh”, bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn KN Holdings đánh giá, Đồng Nai có vị trí chiến lược, quy hoạch đồng bộ và mục tiêu phát triển xanh sẽ thành tâm điểm thu hút FDI. KN Holdings đang đầu tư mạnh mẽ vào Đồng Nai với trọng tâm là các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (KCN), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đô thị mới. Mục tiêu trọng tâm là hình thành các KCN xanh, sử dụng năng lượng xanh và ứng dụng công nghệ thông minh trong xây dựng hạ tầng và quản lý vận hành.

Để MỜI gọi “đại bàng” về làm tổ, các địa phương đang nỗ lực đưa thể chế, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, vận dụng sáng tạo nhằm xây dựng ưu thế cạnh tranh vượt trội. Bình Dương, Đồng Nai... được nhà đầu tư ghi nhận là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI với số vốn lớn và sử dụng công nghệ cao.

Tại Hội nghị, Công ty CP Bàu Cạn Tân Hiệp (thuộc hệ sinh thái KN Holdings) đã được tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp diện tích 1.000 ha tại huyện Long Thành với tổng vốn đầu tư 9.252 tỷ đồng. Dự án đã được Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2024. Cùng với dự án nêu trên, Đồng Nai cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 16 nhà đầu tư khác với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ USD như: KCN Long Đức 3 (diện tích 244,5 ha, vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng); Khu đô thị Hiệp Hòa (diện tích 293 ha, vốn đầu tư 72.289 tỷ đồng); Khu du lịch Đại Phước (diện tích 75,4 ha, vốn đầu tư 7.777 tỷ đồng); Khu đô thị du lịch Đại Phước River (diện tích 49,7 ha, vốn đầu tư 6.415 tỷ đồng); Khu đô thị du lịch Nhơn Phước (diện tích 204,7 ha, vốn đầu tư 29.621 tỷ đồng)… Trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai có các dự án: Sản xuất thiết bị và dụng cụ quang học (vốn đầu tư 29 triệu USD); Đầu tư sản xuất chất bán dẫn ứng dụng trong điện tử (54 triệu USD); Nhà máy Sản xuất ti vi Regza Việt Nam (40 triệu USD)…

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng sức hút đầu tư. Minh chứng là, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh này thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý trong đó có 74 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 448 triệu USD, nói lên rằng các nhà đầu tư tìm thấy thành công tại Đồng Nai và tiếp tục dốc vốn mở rộng cơ hội kinh doanh. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để tăng sức hút đầu tư, bên cạnh những lợi thế về vị trí, hạ tầng, giao thông, Tỉnh đang nỗ lực cải thiện hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất… để đón những nhà đầu tư chiến lược, có công nghệ sản xuất xanh, hiện đại…, luôn lắng nghe, đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án tại địa phương.

Cùng với Đồng Nai, nhiều năm qua tỉnh Bình Dương đã tham gia “cuộc đua” thu hút đầu tư và cùng nhau tạo thế “chân kiềng” vững chắc cho vùng Đông Nam Bộ. Bình Dương xác định cải thiện môi trường đầu tư, tăng niềm tin của doanh nghiệp là chìa khóa tạo nên sự phát triển thần tốc 30 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút FDI.

Ông Yeh Ming Yuh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) đã chia sẻ về quyết định đầu tư thêm 250 triệu USD vào Bình Dương. Ông Yeh Ming Yuh cho biết, lợi thế về hạ tầng giao thông và các KCN hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh khiến Bình Dương là ưu tiên lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Polytex Far Eastern luôn đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sự năng động của chính quyền trong tiếp cận các nhà đầu tư mới, cũng như những giải pháp hỗ trợ, hợp tác và lắng nghe doanh nghiệp.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn FDI, nâng lũy kế vốn FDI đăng ký tại địa phương này lên hơn 41 tỷ USD.

Mới nhất, tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề “Bình Dương vững bước tương lai”, Tỉnh đã khởi công khu phức hợp vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương, KCN Cây Trường và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Biển Đẹp Phú Quốc - Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long đầu tư Dự án Khu đô thị Bắc An Tây (tổng vốn đầu tư hơn 451 triệu USD); Công ty CP Phú Cường Bình Dương với Dự án Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ ven sông Sài Gòn (tổng vốn đầu tư hơn 141 triệu USD); Công ty TNHH Công nghệ chính xác D.Mag Việt Nam với Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất lĩnh vực nhôm, sắt thép và kim loại (tổng vốn đầu tư 120 triệu USD).

Lộ trình 20 năm trải “thảm đỏ” thu hút đầu tư đã tạo ra nhiều doanh nghiệp mạnh, góp phần đưa Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, những địa phương đạt được hiệu quả cao trong thu hút các dự án đầu tư, bên cạnh cơ chế ưu đãi, hạ tầng hiện đại, thuận lợi, thì nền tảng là môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, mạnh dạn gỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt là công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư được quan tâm, đôn đốc thường xuyên, thực chất và kịp thời, đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục