Đấu giá lại tại Cao su Sông Bé có vội vã?

(BĐT) - Cuộc đấu giá hơn 39.500 cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé ngày 22/2 vừa qua đã phải tạm hoãn vì sự can thiệp của một số đối tượng lạ mặt. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mặc dù tính đến thời điểm hết ngày 24/2 vụ việc này vẫn chưa được cơ quan chức năng làm sáng tỏ, nhưng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước đã vội vã tổ chức lại phiên đấu giá này vào ngày mai (28/2).

16 doanh nghiệp tham gia đấu giá bị uy hiếp

Ngày 22/2, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (ĐGTS) tỉnh Bình Phước tổ chức phiên đấu giá 39.572 cây cao su thuộc Lô 6/85; 12/85; 14/85; Lô 15/85; Lô xếp/85 và Lô 6/86; 7/86 tại Nông trường Nha Bích - Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tổng giá trị khởi điểm của lô tài sản này là hơn 45,3 tỷ đồng. Đây là tài sản thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé. Nguyên tắc để đấu giá là bỏ phiếu kín, người nào trả giá cao nhất sẽ trúng đấu giá.

Theo thông báo bán đấu giá được Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước niêm yết trên phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm chỉ bán hồ sơ cho tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh).

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, buổi đấu giá diễn ra vào sáng 22/2 tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước đã phải tạm hoãn. Theo thông tin ban đầu, trước khi phiên đấu giá bắt đầu, có một số đối tượng lạ mặt với mô tả có diện mạo xăm trổ rất dữ tợn đã gây sức ép với 16 doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá này. Các đối tượng này đe dọa, nếu doanh nghiệp bỏ giá cao và trúng đấu giá thì ra khỏi Trung tâm “sẽ không được yên”.

Trước sự “nhốn nháo” của phiên đấu giá, Công an tỉnh Bình Phước đã phải cử hàng chục cán bộ, chiến sỹ tới hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự. Công an tỉnh Bình Phước hiện đang làm rõ vụ nhiều đối tượng lạ mặt dọa nạt, gây sức ép nhằm thao túng buổi đấu giá lô cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé (doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước). 

Vội vã đấu giá lại

Trao đổi với Báo Đấu thầu về vụ việc này, một doanh nghiệp đấu giá cho biết, trước khi tiến hành phiên đấu giá, nhiều đối tượng lạ mặt đã đến địa điểm tổ chức đấu giá và tuyên bố với các doanh nghiệp rằng: “Không được trả giá cao hơn 3 triệu đồng so với giá khởi điểm của lô tài sản đấu giá”.

Khi hỏi về việc nếu các doanh nghiệp chỉ bỏ giá sàn (tức giá khởi điểm) thì ai sẽ là người trúng đấu giá lô tài sản này, các đối tượng lạ mặt cho biết: “Ai lấy không cần biết, nhưng sẽ có người lấy!”.

Trước tuyên bố của các đối tượng lạ mặt, các doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá đã có kiến nghị với Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước hoãn phiên đấu giá lại để điều tra, làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, ngày 23/2 (tức chỉ sau phiên đấu giá bất thành có 1 ngày), Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước đã gửi thông báo đến 16 doanh nghiệp tham gia đấu giá thông báo về thời gian, địa điểm và hình thức bán đấu giá lại đối với 39.572 cây cao su thanh lý.

Theo đó, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia đấu giá sẽ trả giá trực tiếp vào phiếu trả giá do Trung tâm phát hành. Phiếu trả giá sẽ được bỏ vào phong bì niêm phong và bỏ vào thùng phiếu đã niêm phong tại 2 địa điểm là: Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước hoặc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé. Trung tâm nhấn mạnh: “Khách hàng có thể bỏ phiếu tại 1 trong 2 địa điểm trên”. Thời gian bỏ phiếu sẽ kết thúc vào 8 giờ ngày 28/2/2017.

Đáng chú ý, tính đến hết ngày 24/2, các doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản, lý do nào từ cơ quan chức năng và Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước giải thích, làm rõ việc các đối tượng lạ mặt đe dọa người tham gia đấu giá tại buổi đấu giá diễn ra vào sáng 22/2.

Đại diện một doanh nghiệp nêu thắc mắc, không hiểu vì lý do gì mà vụ việc các đối tượng lạ mặt quấy rối phiên đấu giá vẫn chưa được làm sáng tỏ mà Trung tâm đã tiếp tục tổ chức lại phiên đấu giá này? “Cơ quan chức năng phải điều tra và công bố rõ ràng về vụ việc. Có thể số tài sản của phiên đấu giá là quá nhỏ so với việc đấu giá cây cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhưng việc điều tra, làm rõ và xử lý sẽ có tác dụng răn đe, bảo vệ nhiều phiên đấu giá cao su khác. Nếu cứ để một nhóm đối tượng xấu cứ đi phá các phiên đấu giá như thế thì mọi việc sẽ còn phức tạp đến đâu?” – đại diện một doanh nghiệp bức xúc.

Tin cùng chuyên mục