Đấu thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Lo ngại rủi ro nếu thiếu tiêu chí về năng lực quản lý, vận hành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác quản lý, vận hành là một cấu phần không thể tách rời đối với các dự án BOT giao thông. Với các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, công tác này càng không thể xem nhẹ.
Đối với các dự án BOT giao thông, thời gian vận hành khai
thác dài, nhiều rủi ro trong vận hành có thể xảy ra. Ảnh: Lê Tiên
Đối với các dự án BOT giao thông, thời gian vận hành khai thác dài, nhiều rủi ro trong vận hành có thể xảy ra. Ảnh: Lê Tiên

Một số ý kiến cho rằng, ngay từ “đầu bài” cần đưa ra các tiêu chí phù hợp để lựa chọn được nhà đầu tư đảm bảo cả năng lực tài chính, thi công và quản lý, vận hành các dự án lớn. Đây cũng sẽ là một mũi tên trúng hai đích, giúp các ngân hàng cho vay yên tâm rót vốn.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, đến 15h30 ngày 23/7, 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đều đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã thông báo mời thầu với thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ 13h30 ngày 21/7/2020 đến 9h ngày 21/9/2020. Thời gian thực hiện dự án thành phần này khoảng 2 năm, thời gian vận hành khai thác và thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 7 tháng 6 ngày.

Thực tế cho thấy, đối với các dự án BOT giao thông, thời gian vận hành khai thác, hoàn vốn dài, nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nếu chất lượng vận hành, bảo trì không đảm bảo làm giảm lưu lượng giao thông, hay thậm chí phải dừng thu phí để sửa chữa còn có thể ảnh hưởng đến phương án tài chính, dòng tiền. Vì thế, lo ngại lớn nhất đối với các ngân hàng khi cho vay dự án BOT chính là những rủi ro xảy ra trong giai đoạn vận hành kéo dài hàng chục năm. Một trong những yếu tố quan trọng để ngân hàng yên tâm rót vốn là năng lực của nhà đầu tư được lựa chọn.

Một số dự án trong quá trình vận hành phát sinh những “lộn xộn” có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Có thể kể đến tình trạng nhiều người dân sống hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái) tự ý phá dỡ dải phân cách để mở hàng quán dọc tuyến, thậm chí mở lối đi riêng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự. Hay tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có đoạn chưa hoàn thiện đường gom nên xe máy lưu thông chung vào đường cao tốc.

Từ thực tế nhiều dự án phát sinh vấn đề trong vận hành, khai thác, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung tiêu chí tiên quyết trong HSMT khi chọn nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP cần chứng minh năng lực, kinh nghiệm quản lý, vận hành, bảo trì, đặc biệt với các dự án thành phần có công trình hầm đường bộ, cầu lớn.

VARSI cho biết, 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP có một số hầm đường bộ lớn (quy mô mặt cắt 6 làn xe, chiều dài từ 450 - 2.195 m), nhưng theo báo cáo của các thành viên VARSI, trong giai đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, hồ sơ mời sơ tuyển mới đánh giá năng lực đầu tư, thi công của nhà đầu tư mà chưa xem xét các tiêu chí để đánh giá năng lực, kinh nghiệm về quản lý, vận hành, bảo trì, đặc biệt là các công trình có tính chất đặc thù như hầm đường bộ, cầu lớn… Việc này sẽ gây ra nhiều rủi ro khi các công trình hoàn thành nhưng không đảm bảo các điều kiện về vận hành, khai thác.

Ngày 7/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất của VARSI, xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu Dự án cao tốc Bắc - Nam, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong tổ chức thi công và vận hành, khai thác công trình.

Bộ GTVT sau đó đã có văn bản gửi VARSI, cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo hợp đồng (đóng kèm theo HSMT lựa chọn nhà đầu tư) các quy định về công tác lựa chọn nhà thầu để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì các công trình, đặc biệt là các công trình cầu lớn, hầm đường bộ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT nêu ý kiến về nội dung này. Trong đó, để đảm bảo công tác quản lý, vận hành, bảo trì (đặc biệt với các công trình hầm đường bộ, cầu lớn) đáp ứng yêu cầu, chất lượng, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT rà soát các yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với các công tác này trong dự thảo HSMT, dự thảo hợp đồng của dự án. “Các yêu cầu đưa ra phải đảm bảo nhà đầu tư được lựa chọn có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; đồng thời, không hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra cạnh không bình đẳng”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT cũng lưu ý thêm, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu và Điều 48 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP, việc xây dựng và ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu trong dự án PPP thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Tin cùng chuyên mục