Miếng bánh đã có sự phân chia?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang rất quyết liệt để nhanh chóng triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT, phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) nhưng đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí.
Để triển khai, Bộ GTVT đã chỉ định Liên danh Tasco - Vetc là nhà đầu tư Dự án Thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO. Liên danh Tasco - Vetc sẽ triển khai hệ thống thu phí tự động ở 28 trạm thu phí.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Bộ GTVT quy định mức thu phí không dừng (ETC) trong 3 năm đầu tiên theo công thức: (số làn thu phí ETC tiếp nhận/tổng số làn thu phí) x mức phí quản lý tổ chức thu phí trong hợp đồng BOT. Từ năm thứ 4 đến năm thứ 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm. Từ năm thứ 9 đến năm thứ 13, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 9% trên tổng doanh thu của trạm và từ năm 14 trở đi, bằng 10% trên tổng doanh thu của trạm. Trường hợp mức chênh lệch doanh thu thực tế tại các trạm thu phí so với hợp đồng BOT không đủ bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu, sẽ kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT sau khi đã hoàn vốn với thời gian thu phí kéo dài đủ để bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu.
Theo một số chuyên gia, mức thu này là không nhỏ và nhà đầu tư BOO có lẽ sẽ được hưởng một “miếng bánh ngon”. Chỉ ít lâu sau khi Tasco - Vetc được chỉ định, một nhà đầu tư khác là Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng VIETIN cũng nhanh chóng “xí phần” với việc đề xuất Dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do VietinBank tài trợ vốn. Và đề xuất này vừa được Bộ GTVT phê duyệt. Có ý kiến phỏng đoán, dường như VIETIN đã được dọn đường để trở thành nhà đầu tư tiếp theo được hưởng “miếng bánh ngon”. Phỏng đoán này không phải ngẫu nhiên, bởi trước đó Tasco - Vetc được chỉ định là nhà đầu tư BOO thu phí tự động tại các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhưng phải trừ trạm của VietinBank tài trợ vốn. Sau đó, VIETIN đề xuất dự án thu các trạm miền Trung, miền Nam và các trạm do VietinBank tài trợ vốn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, 1 trong 3 cổ đông của VIETIN là Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank, cổ đông thứ hai là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - một nhà đầu tư BOT lớn và VietinBank là đối tác tài chính lớn nhất của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả. Sự trùng hợp này là ngẫu nhiên, hay là khi lựa chọn Tasco - Vetc đã “chừa” lại một phần “miếng bánh”, phân định rõ ranh giới thu phí tự động cho VIETIN?
Nên minh bạch từ khâu lựa chọn nhà đầu tư
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, một trong những mục tiêu lớn nhất của việc triển khai thu phí tự động là để tăng tính minh bạch trong việc thu phí. Nhà đầu tư BOO sẽ giữ vai trò như một công ty thu hộ, vì thế sẽ kiểm soát và minh bạch được nguồn thu. Thế nhưng, việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí tự động, hơn nữa nhà đầu tư thu hộ phí chính là nhà đầu tư BOT, như trường hợp Tasco, lại đang dấy lên mối quan ngại về tính minh bạch!
Một chuyên gia kinh tế khuyến nghị, chúng ta cần cẩn trọng với công nghệ thu phí do chính nhà đầu tư BOT hoặc tổ chức tín dụng cung cấp vốn cho nhà đầu tư BOT làm chủ. Họ có thể làm chủ được phần mềm và làm chủ con số, khi đó tính minh bạch sẽ không cao.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, một đơn vị độc lập đứng ra thu phí tự động không dừng, hoặc tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ này thì tính chính xác, minh bạch cao hơn.