Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ, dự kiến trong vòng 2 năm tới, Hệ thống e-GP sẽ biến công cuộc đấu thầu ở Việt Nam trở thành đấu thầu “một cửa”, theo đó, mọi công tác trong quá trình lựa chọn nhà thầu sẽ đều thực hiện trên môi trường mạng.
Xin bà chia sẻ các tính năng mới của Cổng thông tin (Portal) trên Hệ thống e-GP mang lại giá trị, lợi ích như thế nào cho các chủ thể?
Kể từ ngày 16/9/2022 đến nay, Hệ thống e-GP không ngừng được nâng cấp bằng việc hoàn thiện, bổ sung nhiều chức năng mới của phân hệ Cổng thông tin.
Đầu tiên là việc xây dựng mới hoàn toàn chức năng tìm kiếm nâng cao. Theo đó, với kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT), không chỉ giới hạn tìm kiếm dựa vào tên, mã số như trước, Hệ thống e-GP đã cho phép tìm kiếm tất cả các gói thầu thuộc KHLCNT, hoặc chỉ tìm kiếm các KHLCNT có những thông báo mời thầu (TBMT) chưa đăng tải, qua đó tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu trong việc tiếp cận thông tin. Nhà thầu có thể tự thiết lập chế độ theo dõi KHLCNT để cập nhật thông báo thay đổi về trạng thái, thông tin trong KHLCNT (dự toán, TBMT...) đến tài khoản của mình.
Tương tự, nếu như hệ thống cũ chỉ cho phép tìm kiếm TBMT dựa vào tên, số TBMT, dẫn đến kết quả tra cứu hiển thị chung chung, nhà thầu không có cái nhìn tổng thể về nội dung, tính chất gói thầu, thì với hệ thống mới, việc tìm kiếm TBMT đã mở rộng ra phạm vi cung cấp (đối với gói thầu hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn); kết cấu, cấp công trình (đối với gói thầu xây lắp). Như vậy, thay vì phải mở từng hồ sơ mời thầu (HSMT) để tìm hiểu chi tiết về tính chất gói thầu, người sử dụng có thể kết hợp nhiều trường tìm kiếm (loại công trình, địa điểm, phương thức lựa chọn nhà thầu, quy trình trong nước/quốc tế...) để cho ra kết quả theo mong muốn.
Tiếp theo là chức năng bộ lọc của tôi, cho phép nhà thầu lưu lại bộ lọc, tiêu chí tìm kiếm sau mỗi lần hoàn thành một thao tác tìm kiếm bất kỳ nào đó, tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm tiếp theo.
Ngoài ra, Cổng thông tin bổ sung tiện ích về cơ hội đấu thầu tiềm năng. Theo đó, thay vì phải tìm kiếm các cơ hội đấu thầu thông qua KHLCNT/TBMT tại trang chủ, người sử dụng có thể đề xuất các tiêu chí tìm kiếm dữ liệu được quan tâm tại mục cơ hội đấu thầu tiềm năng, từ đó Hệ thống sẽ nhận diện, lọc thông tin, tự động gửi email về các KHLCNT/TBMT phù hợp với yêu cầu, mục tiêu tìm kiếm của người sử dụng.
Đối với nhà thầu, Cổng thông tin thiết lập chức năng phân tích chủ đầu tư (CĐT)/bên mời thầu (BMT). Với chức năng này, khi quan tâm đến một TBMT nào đó, nhà thầu có thể phân tích “độ mở” của CĐT/BMT thông qua số lượng nhà thầu tham dự trung bình một gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu, số lượng gói thầu bị kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), kiến nghị HSMT... Từ đó, nhà thầu đánh giá được mức độ cạnh tranh, minh bạch của CĐT/BMT và đưa ra quyết định về việc tham dự thầu. Cổng thông tin cũng bổ sung chức năng Lập giá dự thầu, cho phép nhà thầu tìm kiếm và tham khảo giá trúng thầu của các mặt hàng, thuốc, vật tư, thiết bị y tế... từ các KQLCNT đã đăng tải. Từ đó, làm cơ sở tham khảo để lập giá dự thầu với các mặt hàng, dịch vụ tương tự.
Đối với CĐT/BMT, Cổng thông tin xây dựng chức năng Lập giá gói thầu. Việc thiết lập thông số tìm kiếm cụ thể sẽ giúp tra cứu kết quả tương ứng với đầy đủ các thông tin cần thiết cho việc lập giá gói thầu. Ví dụ, nếu CĐT/BMT tìm kiếm hàng hóa là máy tính, kết quả trả về sẽ bao gồm các thông tin như: tên thiết bị, xuất xứ, mã ký hiệu, đơn giá... Đây là cơ sở để CĐT/BMT lập giá gói thầu. Bên cạnh đó, sắp tới, Cổng thông tin xây dựng chức năng phân tích nhà thầu, cho phép CĐT/BMT tìm kiếm dữ liệu về nhà thầu như lịch sử tham dự thầu, lịch sử trúng thầu, uy tín nhà thầu..., nhằm tạo thuận lợi cho công tác đánh giá hồ sơ dự thầu.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Cổng thông tin xây dựng chức năng giám sát như một trong những chức năng quan trọng nhất. Đây là sự giám sát tổng thể quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại CĐT/BMT thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, toàn bộ các thông tin bao gồm: danh sách CĐT/BMT không trả lời làm rõ HSMT; danh sách CĐT/BMT không trả lời kiến nghị về HSMT; danh sách CĐT/BMT có số lượng gói thầu có yêu cầu làm rõ HSMT nhiều nhất; danh sách CĐT/BMT có số lượng gói thầu có kiến nghị về HSMT nhiều nhất; danh sách CĐT/BMT có số lượng gói thầu có kiến nghị về KQLCNT nhiều nhất; danh sách CĐT/BMT có số lượng nhà thầu tham dự ít nhất; danh sách CĐT/BMT có tỷ lệ tiết kiệm thấp..., sẽ được hiển thị công khai trên trang chủ của Cổng thông tin để cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và xã hội tham gia giám sát.
Như vậy, có thể thấy các tính năng mới của Cổng thông tin Hệ thống e-GP mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích cho các chủ thể liên quan như công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả và đặc biệt là tăng trách nhiệm giải trình.
Sau 1 năm triển khai, Hệ thống e-GP đã đưa công cuộc đấu thầu qua mạng ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Ảnh: Lê Tiên |
Hệ thống e-GP có nhiều điểm ưu việt, thúc đẩy tính công khai minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu. Đâu là điểm bà tâm đắc nhất?
Hiện nay, Hệ thống e-GP đã đưa vào sử dụng nhiều phân hệ bao gồm: phân hệ đấu thầu điện tử; phân hệ cổng thông tin; phân hệ hỗ trợ người dùng... Trong đó, phân hệ đấu thầu điện tử cho phép thực hiện ĐTQM tất cả các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, kể cả những gói thầu phức tạp nhất là đấu thầu thuốc, các gói thầu chia phần, phân lô..., được người dùng tin tưởng, đánh giá cao về tính năng.
Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá cao chức năng tìm kiếm nâng cao, bởi đây được coi như “cửa ngõ” thông tin đối với nhà thầu. Thông qua chức năng tìm kiếm công khai này, nhà thầu sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, tham gia cạnh tranh tại các cuộc thầu.
Ngoài ra, sự ưu việt của Hệ thống e-GP còn thể hiện qua chức năng giám sát. Thời gian qua, Cục Quản lý đấu thầu thường xuyên ghi nhận phản ánh về tiêu cực trong đấu thầu, đặc biệt là tình trạng “cài cắm” trong HSMT. Việc đưa chức năng giám sát vào sử dụng sẽ công khai “mảng tối” trong hoạt động đấu thầu, sự vào cuộc giám sát của mọi tầng lớp trong xã hội đối với hoạt động đấu thầu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Với chức năng giám sát, các thông tin về CĐT có nhiều gói thầu bị kiến nghị về HSMT, KQLCNT, các HSMT bị phản ánh, kiến nghị hạn chế cạnh tranh, CĐT không trả lời yêu cầu làm rõ HSMT, kiến nghị HSMT… đều được công khai trên trang chủ.
Trong tương quan so sánh với hệ thống của một số nước, Hệ thống e-GP của nước ta được đánh giá ra sao, thưa bà?
ĐTQM ở những nước phát triển đã đi trước chúng ta tới vài chục năm. So với các nước này, Hệ thống e-GP của nước ta đang thiếu một số phân hệ như đấu giá ngược và mua sắm trực tuyến (e-Shopping). Các phân hệ này sẽ được triển khai khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, nếu so sánh với những nước có điều kiện tương đồng, Hệ thống e-GP của nước ta được đánh giá là tiến bộ. Minh chứng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được Ngân hàng Thế giới (WB) lựa chọn cho phép áp dụng ĐTQM đối với các gói thầu sử dụng vốn tài trợ của WB.
Xin bà chia sẻ một số kết quả đạt được sau 1 năm triển khai Hệ thống e-GP mới?
Năm 2009, Việt Nam được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sử dụng trình duyệt Internet Explorer. Việc triển khai ĐTQM trên hệ thống này khá hạn chế đối với các gói thầu phức tạp chia phần, phân lô, gói thầu áp dụng đơn giá điều chỉnh... Tuy nhiên, những “nút thắt” này đã được giải quyết trên Hệ thống e-GP mới.
Sau 1 năm triển khai, Hệ thống e-GP đã đưa công cuộc ĐTQM ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Kết quả thể hiện ở tỷ lệ số lượng gói thầu đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước (không tính gói thầu EPC) thực hiện ĐTQM đến tháng 8/2023 đạt 99,99% và tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM đạt 93,9%. Bên cạnh đó, số lượng người dùng mới tăng mạnh, số lượng trung bình nhà thầu tham dự tại mỗi gói thầu cũng tăng lên gấp đôi. Hiệu quả ĐTQM mang lại cho đất nước là rõ ràng: tăng cường công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục hành chính, góp phần khắc phục các tiêu cực trong đấu thầu. Trung bình mỗi cuộc thầu nhà thầu tiết kiệm 5 triệu đồng chi phí đi lại, mua hồ sơ, in ấn, chứng thực… Tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn tại những HSMT qua mạng còn bị phản ánh hạn chế cạnh tranh. Với chức năng giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và xã hội, tình trạng này sẽ dần được khắc phục.
Hiện tại, Hệ thống e-GP đã kết nối với Hệ thống thuế điện tử, Hệ thống đăng ký kinh doanh, tiến tới sẽ kết nối với Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Trong tương lai, Hệ thống e-GP sẽ tiếp tục được phát triển ra sao, thưa bà?
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 đang được xây dựng với dự kiến bổ sung chức năng mới của Hệ thống e-GP, bao gồm phân hệ e-Shopping và đấu giá ngược, bên cạnh cho phép bảo lãnh điện tử và hợp đồng điện tử.
Dự kiến trong vòng 2 năm tới, Hệ thống e-GP sẽ biến công cuộc đấu thầu ở Việt Nam trở thành đấu thầu “một cửa”. Hiện tại, Hệ thống e-GP đã kết nối với Hệ thống thuế điện tử, Hệ thống đăng ký kinh doanh, tiến tới sẽ kết nối với Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhằm đáp ứng hạ tầng triển khai mọi công tác trong quá trình lựa chọn nhà thầu trên môi trường mạng, từ lập KHLCNT, TBMT, đánh giá hồ sơ dự thầu, thực hiện bảo lãnh điện tử, ký hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử... Việc chia sẻ, lưu thông thông tin giữa các hệ thống quản lý của Nhà nước sẽ giúp nhà thầu, CĐT thực hiện mọi công tác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, kể cả ký hợp đồng, thanh toán hợp đồng… chỉ bằng click chuột.
Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đâu là những việc cần chuẩn bị để thực thi mục tiêu ĐTQM theo quy định của Luật mới?
Luật Đấu thầu 2023 dành một mục quy định về ĐTQM, xác định rõ lộ trình áp dụng ĐTQM đối với tất cả các gói thầu đấu thầu trong nước là từ năm 2025 (Điều 50).
Để thực hiện được mục tiêu này, về mặt cơ chế, chính sách, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện các biểu mẫu hướng dẫn ĐTQM để lập trình trên Hệ thống e-GP. Trong công tác thực hiện, Bộ KH&ĐT tăng cường phối hợp, giám sát nhà đầu tư trong việc nâng cấp hạ tầng, đảm bảo đáp ứng lộ trình áp dụng ĐTQM đối với tất cả các gói thầu từ năm 2025.
Các chủ thể liên quan như Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội... có trách nhiệm phối hợp, kết nối Hệ thống e-GP với các cổng thông tin chuyên ngành, phục vụ hoạt động ĐTQM thông suốt, thuận lợi.