Bốn gói thầu thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2023 - 2025 cho các cơ sở y tế công lập tại Quảng Trị có tổng dự toán 399,115 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Các gói thầu trên bao gồm: Gói thầu số 1 Mua sắm thuốc generic (331,054 tỷ đồng với 999 phần/lô); Gói thầu số 2 Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị (18,597 tỷ đồng với 35 phần/lô); Gói thầu số 3 Thuốc dược liệu, thuốc có thành phần dược liệu phối hợp với dược chất hóa dược, thuốc cổ truyền (31,299 tỷ đồng với 82 phần/lô); Gói thầu số 4 Dược liệu (18,163 tỷ đồng với 158 phần/lô). Thời gian thực hiện hợp đồng đều là 18 tháng.
Ngay khi phát hành HSMT, các gói thầu đã được nhiều nhà thầu đề nghị làm rõ, sửa đổi một số nội dung.
Tại các gói thầu số 1, 2, 3, theo một nhà thầu, điều kiện cụ thể của hợp đồng quy định tại HSMT chưa phù hợp, trái với quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể, HSMT quy định: “Tổng giá trị bồi thường thiệt hại tối đa là 50% giá trị hợp đồng. Mức khấu trừ là 5%/tuần khi nhà thầu không cung cấp một phần hay toàn bộ công việc hợp đồng. Mức khấu trừ tối đa đến 50%, chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng”. Trong khi đó, Điều 301 Luật Thương mại số 36/2005 quy định: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. Do vậy, nhà thầu đề nghị Bên mời thầu điều chỉnh quy định trên.
Ngoài ra, một số nội dung khác được nhiều nhà thầu chỉ ra là sự bất nhất về tên gói thầu, mỗi nơi ghi một tên khác nhau, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc làm giấy ủy quyền, bảo lãnh dự thầu cũng như các biểu mẫu khác trong hồ sơ dự thầu; tại một số gói thầu, các nhà thầu không biết chứng minh tình hình tài chính theo doanh thu tối thiểu 1 năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh hay doanh thu bình quân…
Tất cả những nội dung trên đã được Sở Y tế tỉnh Quảng Trị làm rõ và điều chỉnh. Theo đó, thống nhất về tên gói thầu và tên hoạt chất, lấy doanh thu bình quân để chứng minh tình hình tài chính của nhà thầu, điều chỉnh giảm tỷ lệ bồi thường thiệt hại như đề xuất của nhà thầu là: “Tổng giá trị bồi thường thiệt hại tối đa là 8% giá trị hàng không cung ứng được hoặc chậm thực hiện của nhà thầu cho chủ đầu tư. Mức khấu trừ là 1%/tuần/tổng giá trị của mặt hàng không thực hiện theo hợp đồng”.
Tính đến thời điểm đóng/mở thầu (ngày 29/9/2023), Gói thầu số 1 có 117 nhà thầu tham dự. Trong đó, một số nhà thầu tham dự hàng chục phần/lô như: Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng (72 phần), Công ty CP Dược Vật tư y tế Quảng Trị (48 phần), Công ty CP Dược phẩm Agimexpharm (48 phần), Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Phúc (44 phần), Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (42 phần), Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Đức (42 phần)…
Tại gói thầu này, khá nhiều phần/lô có từ 2 - 3 nhà thầu tham dự. Đơn cử, phần PP2300334542 (mặt hàng Bisoprolol) có 3 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2, Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội; Phần PP2300334646 (mặt hàng Meloxicam) có 3 nhà thầu tham dự là: Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng, Công ty CP Dược phẩm Bách Niên, Công ty CP Thương mại và Phát triển Hà Lan…
Gói thầu số 2 có 6 nhà thầu tham dự, trong đó, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 tham dự 14 phần/lô, Công ty CP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng tham dự 8 phần/lô, Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Đức tham dự 5 phần/lô…
Gói thầu số 3 có 27 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty TNHH Dược Đồng Tâm tham dự 9 phần, Công ty CP Dược phẩm OPC tham dự 9 phần, Công ty CP Dược Medbros Miền Trung tham dự 7 phần, Công ty CP Gonsa 6 phần…
Gói thầu số 4 có 5 nhà thầu tham dự, trong đó, Công ty CP Dược liệu Việt Nam tham dự 113 phần/lô, Công ty CP Thương mại Dược Vật tư y tế Khải Hà tham dự 71 phần/lô, Công ty TNHH Đông dược Văn Hương tham dự 39 phần/lô…
Một trong những yêu cầu được Bên mời thầu lưu ý trong các văn bản làm rõ là: đối với những mặt hàng thuốc mời thầu trong các gói thầu trên thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, các nhà thầu trúng thầu thực hiện cung ứng đến khi có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá do Bộ Y tế công bố.