Ảnh minh họa: AFP |
Sau chuỗi tăng ấn tượng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, phố Wall trở lại phiên giao dịch đầu tuần mới với thông tin không mấy tích cực. Yếu tố chính giúp phố Wall tăng điểm khá tốt tuần trước là giá dầu đã lao dốc trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng lao theo và ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall và khiến Dow Jones, S&P 500 có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, dù mức giảm không mạnh.
Kết thúc phiên 28/12, chỉ số Dow Jones giảm 23,9 điểm (-0,14%), xuống 17.528,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,49 điểm (-0,22%), xuống 2.056,50 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,51 điểm (-0,15%), xuống 5.040,99 điểm.
Tương tự phố Wall, sự sụt giảm của giá dầu thô trong phiên đầu tuần đã ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Âu, khiến chứng khoán khu vực này giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới, đánh dấu phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, thông tin lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ phiếu khai mỏ, bởi đây là bạn hàng nhập khẩu chính của các doanh nghiệp khai mỏ châu Âu.
Kết thúc phiên 28/12, chỉ số DAX tại Đức giảm 73,73 điểm (-0,69%), xuống 10.653,91 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 45,23 điểm (-0,97%), xuống 4.617,95 điểm. Chứng khoán Anh nghỉ giao dịch.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc giá dầu thô phục hồi tuần trước và duy trì tốt trong phiên châu Á đầu tuần giúp chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ. Thông tin này, giúp bù đắp thông tin tiêu cực là con số thất vọng của sản xuất tháng 11.
Trong khi đó, với dữ liệu các công ty công nghiệp Trung Quốc có tháng sụt giảm lợi nhuận thứ 6 liên tiếp khiến chứng khoán Hồng Kông và đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 28/12, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 83,66 điểm (+0,45%), lên 18.873,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 218,51 điểm (-0,99%), xuống 21.919,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 92,13 điểm (-2,59%), xuống 3.533,78 điểm.
Tuần trước, giá vàng neo theo giá dầu để phục hồi tốt, thì ngay trong phiên đầu tuần, việc giá dầu lao dốc đã kéo giá kim loại quý này giảm theo.
Kết thúc phiên 28/12, giá vàng giao ngay giảm 7,8 USD (-0,75%), xuống 1.068,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 7,5 USD (-0,70%), xuống 1.068,3 USD/ounce.
Chuỗi ngày hạnh phúc của giá dầu kết thúc trong phiên mở đầu tuần mới, cũng là tuần giao dịch cuối cùng của năm 2015. Dữ liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cho thấy có sự dư thừa 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu của thế giới.
Bên cạnh đó, thông tin từ Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 4 thế giới cho thấy, doanh số bán dầu giảm xuống mức thấp nhất 46 năm, cho thấy nhu cầu đang sụt giảm khá mạnh.
Những thông tin xấu liên tiếp, cùng lệnh bán tháo sau chuỗi 4 phiên tăng khiến giá dầu lao dốc hơn 3% trong phiên đầu tuần mới, trong đó giá dầu thô Brent trả lại gần như hết những gì đã có được trong tuần trước để trở lại mức thấp nhất gần 11 năm.
Kết thúc phiên 28/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,29 USD/thùng (-3,50%), xuống 36,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,27 USD (-3,47%), xuống 36,62 USD/thùng.