Đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư: Doanh nghiệp xi măng cấp tập chọn nhà thầu

(BĐT) - Theo Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, đến hết năm 2025, 100% dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xi măng đang cấp tập lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.
Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư. Ảnh: NC st
Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư. Ảnh: NC st

Chia sẻ với phóng viên ngày 26/6, đại diện Ban Quản lý dự án thuộc Công ty Xi măng Nghi Sơn cho biết, Công ty vừa lựa chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1 Cung cấp thiết kế, mua sắm thiết bị, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, xây dựng và lắp đặt hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư thuộc Dự án Lắp đặt hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư.

Theo đó, Liên danh Anhui Conch Kawasaki Engineering Co., Ltd. - Công ty CP Tập đoàn IPC (gọi tắt là Liên danh ACK - IPC Group) trúng thầu với giá 556,520 tỷ đồng (giá gói thầu 744,12 tỷ đồng). “Dự kiến, trong tháng 7 sẽ ký kết hợp đồng và Nhà thầu sẽ bắt tay vào thực hiện hợp đồng trong tháng 8”, đại diện Công ty Xi măng Nghi Sơn nói và cho biết thêm, Liên danh ACK - IPC l Group là nhà thầu có năng lực, trong đó ACK là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực này. “Chúng tôi tin tưởng Nhà thầu sẽ đưa Gói thầu số 1 “về đích” đúng hẹn”, đại diện Chủ đầu tư nói.

Công ty CP Xi măng VICEM Hà Tiên đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1 Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) có giá hơn 230 tỷ đồng, theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, dự kiến đóng thầu vào ngày 24/7/2025. Đây là 1 trong số 9 gói thầu thuộc Dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện - Nhà máy Xi măng Kiên Lương có tổng mức đầu tư gần 267 tỷ đồng do Công ty CP Xi măng VICEM Hà Tiên làm chủ đầu tư.

Tháng 12/2024, Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng đã lựa chọn Liên danh Công ty TNHH Bảo tồn năng lượng SINOMA - Công ty CP Cơ khí xây dựng AMECC thực hiện Gói thầu số 1 Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) với giá trúng thầu 184,6 tỷ đồng. Gói thầu này thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt khí thải để phát điện thuộc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 277 tỷ đồng.

Tháng 9/2024, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Công trình xi măng Nam Kinh CHOPE (Trung Quốc) - Viện Nghiên cứu cơ khí trúng Gói thầu số 1 Cung cấp thiết kế, thiết bị, vật tư, xây lắp và dịch vụ kỹ thuật thuộc Dự án Trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung tại Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch với giá trúng thầu gần 313 tỷ đồng…

Đánh giá cao chuyển động tích cực của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong sản xuất là xu hướng tất yếu, cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành xi măng Việt Nam. Trong bối cảnh xu thế phát triển xanh, bền vững bao trùm toàn cầu, các nhà máy sản xuất xi măng Việt Nam cũng phải bắt nhịp với xu thế phát triển chung của thế giới để không bị loại khỏi “cuộc chơi” này.

Theo ông Long, yêu cầu các nhà máy sản xuất xi măng phải đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện đã được Chính phủ đặt ra từ lâu. Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, các dự án xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải hoàn tất đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện vào năm 2015. Tuy nhiên, hết năm 2015, việc thực hiện mục tiêu này chưa đạt yêu cầu. Sau đó, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tiếp tục đặt ra yêu cầu: đến hết năm 2025, 100% dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện khí thải. “Đến nay, trên 60% số nhà máy xi măng đã hoàn thành mục tiêu này, số còn lại đang phải “chạy nước rút” để về đích đúng hẹn”, ông Long thông tin.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Kết nối đầu tư