Ảnh minh họa. Ảnh Internet |
Tuy nhiên, trước một số tồn tại, hạn chế, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong xã hội cho lĩnh vực này.
Mới chỉ xã hội hóa loại hình dễ thu lợi nhuận
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa, về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công đã được ban hành tương đối đầy đủ.
Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa cho thấy nhiều kết quả tích cực như bước đầu đã thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung ứng; đa dạng hóa loại hình, phương thức hoạt động và sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực sự nghiệp công, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng và góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nêu rõ, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa theo kịp tình hình phát triển. Mức độ phổ cập xã hội hóa trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công là không đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận và tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác xã hội hóa và tiếp tục thu hút, mở rộng các nguồn lực đầu tư trong xã hội, Bộ Tài chính đang dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công. Theo đó, một số định hướng lớn được Dự thảo Chỉ thị đưa ra là tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi hiện hành để khuyến khích xã hội hóa, bao gồm các chính sách về cho thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất đã được giải phóng mặt bằng cho các dự án xã hội hóa.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá các dịch vụ sự nghiệp công quan trọng như y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp, đảm bảo tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, tránh tác động mạnh đến mặt bằng giá cả và lạm phát, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa cơ sở công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra, Dự thảo nêu rõ, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đặt hàng cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công gắn liền với nhu cầu sử dụng, với số lượng, chất lượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí. Có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.
Đối với hoạt động xã hội hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Dự thảo Chỉ thị nêu rõ, cần rà soát, kiểm tra các hoạt động huy động vốn, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (đặc biệt là hình thức liên doanh, liên kết đặt máy tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập); khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập và bức xúc của người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện, tăng cường hoạt động vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng thành lập mới các cơ sở xã hội hóa hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hạn chế thực hiện phương thức liên doanh, liên kết đặt máy tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.