Để vốn chảy đến doanh nghiệp: Cần khung chính sách thiết thực hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa trình Quốc hội có nội dung giảm mạnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan. Cùng thời điểm, trong 5 giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển bền vững được công bố ngày 5/6/2023 không có giải pháp trực tiếp nào hỗ trợ doanh nghiệp (DN) huy động vốn.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, doanh nghiệp cần nhất là được tăng cường năng lực tài chính từ dòng chảy tín dụng hoặc thuận lợi trong gọi vốn trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Lê Tiên
Để vượt qua khó khăn, thách thức, doanh nghiệp cần nhất là được tăng cường năng lực tài chính từ dòng chảy tín dụng hoặc thuận lợi trong gọi vốn trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Lê Tiên

Chuyển động chính sách trên 2 kênh vốn dường như chưa trúng nhu cầu của DN, nhất là trong bối cảnh DN rất cần trợ lực tài chính để băng qua khó khăn…

Băn khoăn đề xuất giới hạn cấp tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Các TCTD (sửa đổi) hướng đến nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo. Điểm mới của Dự thảo Luật là điều chỉnh tổng mức dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% (theo Luật hiện hành) xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, mức giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25%.

Trong ngày đầu tiên Dự thảo Luật được trình ra Quốc hội, nội dung trên đã nhận được nhiều quan điểm phản biện. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của DN, chi phí vốn tăng cao. Trong bối cảnh TTCK, thị trường trái phiếu DN chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt hiện nay các DN đang rất thiếu vốn để phục hồi và phát triển sau tác động của dịch Covid-19 cũng như những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, ngân hàng trong nước và trên thế giới.

Một lo ngại khác được Ủy ban Kinh tế nêu lên, đó là việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng có thể tác động tiêu cực đến thu hút thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Dẫn ghi nhận từ Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam, Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế cho biết, nếu quy định như trên được áp dụng, các DN FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo Luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới. Thực tế, các DN FDI sẽ nhận được khoản cấp tín dụng, trước hết từ các ngân hàng có mối quan hệ toàn cầu ở Việt Nam. Việc giảm khả năng vay trong nước của khối FDI đối với các ngân hàng này có thể làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút FDI của Việt Nam.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, định nghĩa về người có liên quan của Luật Các TCTD dự kiến sửa đổi theo hướng rộng hơn, đồng nghĩa với cách tính tổng mức dư nợ tín dụng cho “một khách hàng và người có liên quan” sẽ rộng hơn, dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ nhỏ hơn trước.

Như vậy, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Dẫn thông lệ quốc tế tại nhiều nước lân cận, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước láng giềng có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh so với khu vực.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xây dựng với mục tiêu giảm rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế sở hữu chéo. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xây dựng với mục tiêu giảm rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế sở hữu chéo. Ảnh: Lê Tiên

Giải pháp giúp DN gọi vốn ở đâu?

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sửa đổi Luật Các TCTD với mục tiêu giảm rủi ro tín dụng, hạn chế sở hữu chéo là rất cần thiết, nhưng dự kiến điều chỉnh dư nợ tín dụng là điểm phải xem xét lại. Theo ông Tùng, mức giảm như đề xuất là rất lớn, nhất là với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. "Đặt trong bối cảnh nền kinh tế rất cần phải thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, DN rất cần vốn nhưng các kênh huy động vốn như cổ phiếu, trái phiếu DN đều khó khăn, nếu ngân hàng giảm tỷ lệ cho vay chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, ông Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, giới hạn cấp tín dụng tại Dự thảo Luật phải được đánh giá thận trọng để vừa tăng an toàn của hệ thống tín dụng, nhưng vẫn duy trì được nguồn vốn cho phát triển. “Đây là bài toán khó, có tính chuyên môn sâu, không thể đánh giá cảm tính được”, ông nói.

Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, từ khi TTCK Việt Nam hoạt động (năm 2000), DN có thêm một kênh gọi vốn chủ động là phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tổng vốn DN huy động được qua TTCK vẫn ở mức rất thấp so với dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. Cụ thể, nếu năm 2022, dư nợ tín dụng đạt gần 12.000.000 tỷ đồng thì giá trị huy động từ phát hành cổ phiếu cộng trái phiếu DN ra công chúng chỉ đạt 116.684 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, thông qua TTCK, DN chỉ huy động được 95.698 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu; 29.766 tỷ đồng phát hành trái phiếu DN ra công chúng.

TTCK được ví như “phong vũ biểu” của mỗi nền kinh tế, được xây dựng và phát triển nhằm thực hiện 2 vai trò trọng yếu, đó là tạo kênh đầu tư cho công chúng và kênh huy động vốn cho DN. Tuy nhiên, trong các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển bền vững được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin ngày 5/6/2023 không có giải pháp nào hướng đến mục tiêu hỗ trợ DN huy động vốn (xem box 2).

Để vượt qua khó khăn, thách thức, DN cần nhất là được tăng cường năng lực tài chính từ dòng chảy tín dụng hoặc thuận lợi hơn trong gọi vốn trên TTCK. Tuy nhiên, các giải pháp chính sách dường như chưa chạm đúng nhu cầu của DN, khiến tương lai phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng tiếp tục khó đoán với đại đa số DN hiện nay.

Các nền kinh tế kiểm soát hạn mức vay thế nào?

Thái Lan: các ngân hàng kiểm soát hạn mức cho vay đối với một khách hàng và nhóm khách hàng đều cùng ở mức 25% vốn tự có/vốn chủ sở hữu của ngân hàng đó.

Indonesia: Tối đa 25% vốn của ngân hàng cho một khách hàng vay (Single Debtor); Tối đa 25% vốn của ngân hàng đối với Nhóm khách hàng vay (Group of Debtors).

Hàn Quốc: Giới hạn vay cá nhân (Single borrower limit) - Các ngân hàng không nên cấp tín dụng vượt quá 20% vốn cổ phần cho cùng một cá nhân hoặc tập đoàn; Giới hạn một nhóm kinh doanh (Single business group limit) - Các ngân hàng không được cấp tín dụng vượt quá 25% vốn tự có cho cùng một cá nhân, tập đoàn hoặc người mà ngân hàng chia sẻ rủi ro tín dụng theo Sắc lệnh của Tổng thống.

(Nguồn: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

5 giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam bền vững, an toàn

Thứ nhất, Bộ Tài chính (UBCK) đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc về phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán; quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả...

Thứ ba, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán sẽ được chú trọng nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các DN, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống.

Thứ năm, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

(Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Tin cùng chuyên mục