Đề xuất giải pháp căn cơ gỡ khó cho nhà thầu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ đạo gần đây của Bộ Xây dựng đã bước đầu tháo gỡ một phần khó khăn cho nhà thầu xây dựng khi giá vật liệu tăng cao. Tiếp tục tìm giải pháp gỡ khó cho các nhà thầu, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đề xuất ban hành một văn bản bổ sung về điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng do giá vật liệu tăng đột biến, bên cạnh trường hợp về lạm phát.
Khó khăn đối với nhà thầu xây dựng thực hiện các dự án đầu tư tư nhân khi giá vật liệu tăng cao vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh: Tiên Giang
Khó khăn đối với nhà thầu xây dựng thực hiện các dự án đầu tư tư nhân khi giá vật liệu tăng cao vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh: Tiên Giang

VACC cho biết, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép tăng đột biến (tăng 40 - 45% so với thời điểm cuối năm 2020) khiến nhiều nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản. Để tháo gỡ, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, nhiều bộ, ngành liên quan đã vào cuộc để chặn đà tăng giá thép.

Trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 18/5, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, Hiệp hội đang chờ các nhà thầu cập nhật thiệt hại do tác động của giá nguyên vật liệu tăng cao để đề xuất giải pháp gỡ khó với cơ quan chức năng. Dự kiến, trong tuần tới, VACC sẽ có văn bản gửi Bộ Xây dựng về nội dung này.

Theo ông Hiệp, lĩnh vực xây dựng có 2 mảng: đầu tư công và đầu tư tư nhân. Với xây dựng đầu tư công, đến thời điểm này, khó khăn của các nhà thầu do giá thép tăng cao đã cơ bản được giải quyết. Lý do là trong chỉ đạo gần đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Bộ Xây dựng cũng lưu ý, đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn như thép, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn. Với chỉ đạo này, các cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án bị tác động, qua đó giảm thiểu thiệt hại cho các nhà thầu.

“Tuy nhiên, khó khăn “bủa vây” nhà thầu xây dựng thực hiện các dự án đầu tư tư nhân vẫn chưa được tháo gỡ”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo đại diện VACC, việc giá vật liệu tăng đột biến chỉ có tính nhất thời. Để gỡ khó cho nhà thầu xây dựng, Hiệp hội dự kiến đề xuất tháo gỡ theo hướng, sẽ có một văn bản bổ sung về các trường hợp điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng do giá vật liệu tăng đột biến bên cạnh trường hợp về lạm phát. Trong đó, quy định rõ trong trường hợp giá tăng bao nhiêu % và ảnh hưởng bao nhiêu % thì được phép điều chỉnh hợp đồng. Chỉ có như vậy mới hỗ trợ hữu hiệu cho nhà thầu và không làm thay đổi mặt bằng giá chung.

Trước đó, nhiều biện pháp bảo đảm cung - cầu, bình ổn thị trường thép xây dựng đã được đề nghị như: Thúc đẩy gia tăng năng lực sản xuất thép; ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; xem xét điều chỉnh chính sách thuế…

Tin cùng chuyên mục