Đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe xuống còn 5 năm: Không nên dồn gánh nặng lên người dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn Giao thông đường bộ của Bộ Công an vừa trình Chính phủ có đề xuất giảm thời hạn của giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 năm như hiện nay xuống còn 5 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Chính phủ đang nỗ lực cải cách, giảm thiểu các thủ tục hành chính thì việc giảm thời hạn này sẽ gây khó cho người dân.
Rút ngắn thời hạn cấp đổi giấy phép lái xe có cần thiết?
Rút ngắn thời hạn cấp đổi giấy phép lái xe có cần thiết?

Tốn kém không hợp lý

Theo dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn Giao thông đường bộ vừa được trình Chính phủ, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp GPLX xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay đang được Bộ GTVT quy định. Theo đó, tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn và GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, hiện GPLX các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm, các hạng GPLX ôtô khác có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, các hạng khác số lượng không nhiều mà chủ yếu là lái xe hạng B1 và B2.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam), việc thay đổi sẽ phiền hà và tốn kém thời gian, tiền của cho người dân, gây tác động xã hội. Sau 10 năm, chủ sử dụng GPLX phải đến kiểm tra sức khoẻ để đảm bảo. Theo đồng hồ sinh học về sức khoẻ con người, thì 10 năm là hợp lý, vì nếu những người trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết. Cũng theo ông Thanh, việc rút ngắn nhằm mục đích gì, trong 10 năm chỉ phải đổi lại GPLX 1 lần, nay phải đổi hai lần, sẽ gây phiền toái, tốn kém cho người dân. Hiện các giấy tờ tuỳ thân như hộ chiếu, căn cước công dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân.

Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam) - ông Lương Duyên Thống cho biết, tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay. Theo các chuyên gia giao thông, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn đổi GPLX từ 5 năm trước đây lên 10 năm và đã thực hiện nhiều năm nay. Việc này giúp cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

Đừng đẩy khó cho người dân

Giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng - ông Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, việc giảm thời hạn cấp GPLX xuống còn 5 năm là bất hợp lý vì việc cấp GPLX liên quan đến độ tuổi và độ tuổi thì khống chế cho lái xe chở khách và xe vận tải. Theo quy định GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Cùng với đó, xu hướng của thế giới là với xe cá nhân - người lái còn sức khoẻ thì vẫn có thể lái xe, vậy giảm xuống như vậy để vì mục đích gì. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có mục đích rõ ràng trong đổi GPLX là cập nhật kiến thức cho người dân thì việc đổi mới có ý nghĩa. Hiện tại một số nước phát triển, mỗi lần muốn đổi GPLX, người lái xe bắt buộc phải học lại để cập nhật những kiến thức mới về ATGT. Do đó, không nhất thiết phải giảm vì các quy định về độ tuổi lái xe đã có trong luật và hiện tại đang triển khai, khi còn tuổi còn cấp GPLX; quan trọng nhất là chế tài trong quá trình lưu thông, nếu vi phạm thì bị tước bằng lái hoặc học lại mới là vẫn đề quan trọng. Việc quy định về thời hạn cấp đổi GPLX đang ổn định, nếu rút ngắn có thể gây lãng phí cho xã hội và người dân, trong khi Chính phủ đang cắt giảm và đơn giản hoá các thủ tục hành chính thì lại gây khó khăn cho người dân; việc giảm không mang lại lợi ích cho người dân và xã hội.

Theo anh Tiến Văn trú tại Tân Tây Đô (Hà Nội), xét từ thực tế cá nhân, anh thấy đề xuất trên còn khá nhiều điểm bất hợp lý. Rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe xuống còn 5 năm sẽ mất nhiều thời gian của người dân đi cấp lại giấy phép, ít nhất là 1 ngày đi xin cấp và 1 ngày đi lấy bằng mới. Ví dụ như đối với căn cước công dân thời hạn là 15 năm mà tại các huyện, các quận đều được cấp mà việc cấp mới hay thay đổi thông tin trên thẻ căn cước đã ùn tắc và rất mất thời gian của công dân huống chi là giấy phép lái xe và gian hạn giấy phép lại xe chỉ có Bộ Công an và các cơ quan đủ thẩm quyền mới có thể cấp được. Vì vậy, đây là việc không cần thiết. Thêm nữa điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe xuống còn 5 năm sẽ tăng khối lượng công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước từ đó sẽ kéo theo việc tốn chi phí cho nguồn lực đáp ứng khối lượng công việc mới, chi phí đảm bảo sản xuất in ấn, xét duyệt hồ sơ…

Anh Hà Trọng Luân (lái xe taxi) cho rằng, việc rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe không quan trọng bằng đưa các chế tài vào quản lý chặt, thực hiện nghiêm túc mọi giấy tờ chứng nhận hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy phép lái xe như giấy chứng nhận sức khỏe… Do đó, nếu có quy định mới thì cũng mong các cơ quan quản lý Nhà nước rút ngắn hơn thủ tục hành chính phải để thuận tiện chứ không thể thay đổi gây phiền phức cho người dân.

Tin cùng chuyên mục