Việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 đã gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư, góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm |
Củng cố niềm tin của cộng đồng DN
“Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã cơ bản được đẩy lùi, kiểm soát tại Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông tin này tới cộng đồng DN trong và ngoài nước tại “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế nhằm phục hồi tăng trưởng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, diễn ra cuối tuần qua. Theo Thủ tướng, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh qua đi, các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Mặc dù phải tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội và sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước, nhưng 4 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của nhiều nước ngay trong thời kỳ thuận lợi. “Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng DN Việt Nam là vô cùng lớn”, Thủ tướng nói.
Bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tin tưởng: “Sức bật lò xo của nền kinh tế như Thủ tướng nói chắc chắn sẽ có”. Ông Thân cho rằng, sau Hội nghị, cùng với niềm tin và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng DN sẽ nô nức tái phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt trên 5%.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ôngVũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành phụ trách ASEAN thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cực kỳ ấn tượng với kết quả chống dịch Covid-19 “đáng nể” của Việt Nam. “Hiện nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm và lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam ngay khi tình hình dịch được kiểm soát và Việt Nam mở cửa trở lại cho người nước ngoài”, ông Thành cho hay.
Cùng quan điểm này, ông Hong Sun, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhìn nhận: “Sau đại dịch Covid-19, không chỉ có thêm nhà đầu tư Hàn Quốc mà còn có nhiều nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục quan tâm và đầu tư tại Việt Nam”. Vẫn theo ông Hong Sun, Việt Nam có sự hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ chính trị ổn định, chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng như Bộ Công Thương rất tạo điều kiện cho nhà đầu tư quốc tế hoạt động ở Việt Nam. Mỗi khi nhà đầu tư có vướng mắc thì các cơ quan này đều hỗ trợ giải quyết rất tích cực. Chính điều này khiến Việt Nam đang được các nhà đầu tư quốc tế thương yêu, quan tâm đến đầu tư.
Trước đó, đại điện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết: “Các DN châu Âu tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn và cạnh tranh để kinh doanh”.
Cơ hội để phục hồi và bứt phá
Nhận định việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta cần có hành động nhanh và mạnh nhằm hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng” để phục hồi và bứt phá, tăng trưởng kinh tế.
“Đây là cơ hội để các DN Việt Nam nhìn nhận, rà soát, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn. Thời điểm này cũng là dịp để các DN có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ; thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm, dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đại diện cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách...
Hiến kế cho DN phục hồi và phát triển hậu Covid -19, ông Thân cho rằng, DNNVV hiện chiếm trên 90% tổng số DN Việt Nam. Đây là lực lượng nhạy cảm nhất, đầu tư nhiều ngành nghề nhất nên đòi hỏi sự tập trung hỗ trợ rất cao độ của Chính phủ để giúp khối DN này phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh chóng. Để khối DN này hấp thụ tốt nhất các gói hỗ trợ của Chính phủ, ông Thân đề nghị, trước hết chính các DN này phải “nâng tầm” để nhanh chóng tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội vàng đón làn sóng dịch chuyển dòng FDI tái định vị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng đề nghị, DN Việt Nam cần nâng cao năng lực để hấp thụ làn sóng chuyển dịch đầu tư này. Bên cạnh đó, khi đưa chính sách vào cuộc sống, các địa phương phải thực sự công tâm, sáng tạo, chủ động giúp DN yên tâm đầu tư kinh doanh…
Đại diện nhiều DN trong nước và nhà đầu nước ngoài tại Việt Nam cũng cam kết sẽ đồng hành cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới.