Công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó hạt nhân là Khu liên hợp lắp ráp và sản xuất ô tô Chu Lai Trường Hải trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh Quảng Nam Ảnh: Lê Tiên |
Quảng Nam thoát tăng trưởng âm, Đà Nẵng mở rộng khu vực dịch vụ
Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh 6 tháng đầu năm ở mức 2,7%, chấm dứt đà tăng trưởng âm kéo dài từ năm 2023 đến quý I/2024. Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 12.221 tỷ đồng, đạt 51,8% so với kế hoạch (23.600 tỷ đồng) và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,7%; dịch vụ tăng 4,4%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó hạt nhân là Khu liên hợp lắp ráp và sản xuất ô tô Chu Lai Trường Hải (THACO) trở thành động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng trưởng từ đầu quý II/2024 là 19,5%, dẫn đến 6 tháng đầu năm tăng 12%.
“Thống kê trên cho thấy nhiều lĩnh vực khởi sắc nhưng chỉ là sự phấn khởi bước đầu, vì để đạt mức tăng trưởng 7,5 - 8% cho cả năm 2024 thì GRDP 6 tháng còn lại phải đạt ít nhất 12,3 - 13,3%. Con số này thực sự là không dễ dàng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhận định.
Tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận GRDP tăng 5%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023. Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm tại Đà Nẵng tăng 7,8%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 22,2%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 38,6%. “Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho biết. Theo ông Vũ, quy mô nền kinh tế 6 tháng qua của Đà Nẵng theo giá hiện hành đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục dẫn đầu các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung Bộ.
Dù vậy, sự tăng trưởng của Đà Nẵng đang có “phân hoá” khi cơ cấu kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ (hiện chiếm hơn 70,5%), khu vực công nghiệp - xây dựng thu hẹp còn 18,06%. Ông Vũ giải thích, ngành dịch vụ chịu tác động suy giảm nhanh từ đại dịch Covid-19 nhưng cũng phục hồi nhanh, trong khi khu vực công nghiệp phục hồi chậm. Công nghiệp của Đà Nẵng chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu như may mặc, giày da, không phải công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu nội địa. Vì thế, khi nhu cầu giảm, thiếu đơn hàng xuất khẩu, hàng tồn kho tăng, dẫn tới sản xuất phục hồi chậm.
Năm 2024, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8 - 8,5%. Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, có 10 nhiệm vụ trọng tâm Đà Nẵng cần triển khai hiệu quả, đồng bộ. Trong đó, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới; xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn...
Khánh Hòa, Bình Định tăng trưởng cao và ổn định
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phấn khởi cho biết, nửa đầu năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GRDP tăng 12,73%, đứng thứ 2 cả nước và đứng thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; thu ngân sách nhà nước đạt 9.522,8 tỷ đồng, tăng 25%. “Những kết quả đạt được đến từ sự cố gắng rất lớn của các ngành: du lịch, công thương, văn hóa và các sở, ngành, địa phương. Nếu từ nay đến cuối năm vẫn giữ được nhịp tăng trưởng này thì năm 2024, Khánh Hòa sẽ giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Trong lĩnh vực du lịch, đến cuối năm khả năng sẽ đạt mốc 9 triệu lượt khách. Tỉnh phấn đấu xuất khẩu vượt 2 tỷ USD trong năm 2024”, ông Tuân cho biết thêm.
Để giữ nhịp tăng trưởng, UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, sẽ thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong và trên địa bàn đô thị mới Cam Lâm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang; Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang…”.
Nếu như tăng trưởng ngành du lịch có phần vượt trội trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Khánh Hòa thì tại Bình Định, sản xuất công nghiệp là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2024, góp phần đưa GRDP tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023, thu ngân sách nhà nước ở mức 6.348,6 tỷ đồng, đạt 42,3% dự toán năm và tăng 29,6%. Cụ thể, sản xuất công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước với giá trị tăng thêm 11,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,65%. Kết quả này được đánh giá là khả quan cho kịch bản tăng trưởng GRDP của Bình Định 6 tháng cuối năm 2024 ở mức từ 7,4 - 8,3%, tạo niềm tin để Bình Định phấn đấu hoàn thành mục tiêu GRDP cả năm tăng 7,5 - 8%. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kỳ vọng: “Nếu không có biến động lớn, các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra từ đầu năm sẽ đạt được”.