Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán vốn cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vừa được Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua trình Thủ tướng Chính phủ, tổng vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện tăng khoảng 50% so với Quy hoạch điện VIII. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thách thức lớn, cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để khơi thông và huy động được nguồn lực cho mục tiêu mới.
Dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII bổ sung Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và nguồn điện từ năng lượng tái tạo… Ảnh minh họa: Phú An
Dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII bổ sung Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và nguồn điện từ năng lượng tái tạo… Ảnh minh họa: Phú An

Nhu cầu vốn rất lớn

Theo Dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện sẽ thay đổi nhiều so với Quy hoạch điện VIII, trong đó bổ sung Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; bổ sung nguồn điện từ năng lượng tái tạo… Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển các dự án điện giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 136 - 172 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho nguồn điện khoảng 118 - 148 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18 - 24 tỷ USD. Trung bình nhu cầu vốn mỗi năm khoảng 27 - 34 tỷ USD.

Giai đoạn 2031 - 2050, tổng nhu cầu vốn khoảng 699 - 801 tỷ USD, trong đó, vốn phát triển nguồn điện khoảng 655 - 750 tỷ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 44 - 50 tỷ USD. Trung bình nhu cầu vốn mỗi năm khoảng 35 - 40 tỷ USD.

Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021 - 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trung bình cần 13,5 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2031 - 2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trung bình cần 20 - 26 tỷ USD/năm.

Như vậy, so với Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tăng khoảng 50%. Viện Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương) - đơn vị tư vấn xây dựng Dự thảo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhìn nhận: “Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành điện trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển”.

Lý do là, việc huy động vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện ước tính trung bình khoảng 12 tỷ USD/năm và 1,5 tỷ USD/năm cho lưới truyền tải giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, cơ chế giá điện hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

TS. Nguyễn Thành Sơn - chuyên gia năng lượng cho rằng, các dự án nhiệt điện than gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn do lo ngại về vấn đề môi trường; các dự án điện khí và LNG gặp khó khăn trong việc đàm phán cung cấp khí, đàm phán hợp đồng mua bán điện và đồng bộ chuỗi dự án khí - điện. Với dự án điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời), kể từ khi cơ chế giá FIT (cơ chế giá ưu đãi) kết thúc thì công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam gần như không tăng…

Về giá điện, theo ông Sơn, cơ chế giá 1 thành phần (tính theo điện năng) đang áp dụng hiện nay không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng trả cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện; còn cơ chế giá điện 2 thành phần (tính theo công suất và điện năng) với nhiều ưu điểm chưa được triển khai.

“Những “nút thắt” trên khiến nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư quốc tế chưa mặn mà đầu tư vào các dự án điện”, ông Sơn nhận định.

Về vấn đề này, tại Dự thảo Đề án, Viện Năng lượng cũng cho rằng, việc triển khai dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó, các cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch dù đã và đang được xây dựng nhưng vẫn chưa được ban hành, áp dụng đầy đủ.

Giải “bài toán” vốn thế nào?

Tại Dự thảo Đề án, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần có giải pháp toàn diện, dài hơi, ổn định và đủ hấp dẫn để mọi thành phần kinh tế có thể yên tâm đầu tư nguồn và lưới điện.

Trước hết, cần hoàn thiện pháp luật và chính sách để nhà đầu tư chọn đầu tư vào dự án điện. Các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) đồng bộ, thống nhất và hiệu quả với các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, đấu thầu và đầu tư, đặc biệt đối với những quy định pháp luật liên quan về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực…

Thực thi hiệu quả và kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế tài chính song phương, đa phương cũng như các cơ chế huy động nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.

Cùng với đó, thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương giải quyết thủ tục hành chính…, đảm bảo minh bạch và ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Ông Sơn nhấn mạnh, các giải pháp đưa ra phải có tính khả thi cao thì mới khơi thông được dòng vốn đầu tư. Giải pháp liên quan đến giá điện là đặc biệt quan trọng, bởi giá điện hiện chưa phản ánh đủ chi phí, làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. “Chúng ta cần xây dựng, hoàn thiện và kịp thời điều chỉnh quy định pháp luật về cơ chế, chính sách liên quan đến giá điện nhằm phù hợp với từng giai đoạn phát triển và điều kiện thực tiễn”, ông Sơn nêu quan điểm và cho rằng, để tiến tới thị trường điện cạnh tranh, hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần triển khai cơ chế giá điện 2 thành phần càng sớm càng tốt.

Một nhà đầu tư thuộc Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh Bến Tre cho rằng, vốn đầu tư vào các dự án điện thường rất lớn nên trong “cuộc chơi” này, nhà đầu tư chỉ yên tâm “xuống tiền” khi nhận thấy cơ chế, chính sách ổn định, rõ ràng; đầu ra (giá điện) hợp lý, phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất và kinh doanh, giúp nhà đầu tư có lợi nhuận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đề nghị, sau khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương cần bắt tay triển khai ngay những kiến nghị đã nêu trong Đề án, trong đó có việc gỡ “nút thắt” thể chế, chính sách phát triển nguồn điện cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục