Các công cụ chính sách đồng bộ đã giúp lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù lượng tiền bơm ra nền kinh tế rất lớn. Ảnh: Nhã Chi |
Quy mô tín dụng rất lớn
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 ngày 2/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, thành công lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát ở mức thấp.
Bên cạnh đó, lãi suất giữ được ổn định và giảm, đặc biệt là lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%. NHNN chủ động điều tiết, giảm các mức lãi suất điều hành vào thời điểm phù hợp, với khối lượng và liều lượng thích hợp để đạt được kết quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, đến nay quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 80 tỷ USD, trở thành “tấm đệm” quan trọng cho quốc gia trong việc bảo vệ an ninh tài chính, phòng ngừa những tác động bên ngoài.
Việc điều hành tín dụng trong năm 2019 được đánh giá là hợp lý, với mức tăng trưởng xấp xỉ 14%. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng rất lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Lê Minh Hưng, bên cạnh công tác điều hành chính sách tiền tệ nêu trên, ngành ngân hàng cũng chú trọng việc thanh tra giám sát và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Qua công tác này, thực hiện việc cảnh báo những vấn đề rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cũng đã được xử lý một cách quyết liệt và có hiệu quả, bảo đảm tốt chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tỷ giá cơ bản ổn định.
Vừa khơi thông nguồn vốn vừa ổn định vĩ mô
Dù đạt những kết quả tích cực như trên, song theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng vẫn còn một số mặt chưa làm được và cần tập trung xử lý trong thời gian tới.
Theo đó, ngành ngân hàng phải làm tốt hơn nữa với nhiều kịch bản điều hành chính sách tiền tệ khác nhau. Đồng thời, phải năng động, chủ động bám sát diễn biến thị trường quốc tế và khu vực để kịp thời tham mưu cho Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực và có phương pháp tăng tiến độ xử lý, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Về công tác thanh tra giám sát, theo Thống đốc, cần tăng cường củng cố thanh tra từ cấp trung ương đến chuyên ngành, không ngừng nâng cao chất lượng thanh tra, tăng cường cảnh báo và ngăn chặn sớm các rủi ro.
Về những điểm khó khăn của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, công tác xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều trở ngại. Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh và hoạt động ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp như gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến việc để lộ nhiều thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản… gây ảnh hưởng đến uy tín của nhiều ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động và theo quy luật thị trường, khơi thông nguồn vốn đồng thời phối hợp với các cơ quan khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.