Ông Vũ Tiến Lộc nhận định sẽ có làn sóng đổi mới mạnh mẽ sau Đại hội Đảng. |
Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới với cộng đồng doanh nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm vừa qua?
- Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm rất dũng cảm để có thể trụ vững, phát triển trong bối cảnh môi trường kinh tế có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh một bộ phận gặp khó khăn buộc phải rời thị trường, phần đông doanh nghiệp vẫn trụ vững và có bước phát triển trong năm qua. Đây là kết quả đáng ghi nhận. Có thể nói những doanh nhân, người chủ doanh nghiệp đã trở thành dũng sĩ trên mặt trận kinh tế khi đóng góp không nhỏ vào thành tích phát triển của Việt Nam, tạo việc làm cho xã hội.
Năm qua cũng là năm chúng ta tiếp tục hội nhập sâu với thế giới, ngoài cơ hội tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hàng hóa các nước cũng đổ bộ vào nước ta mạnh mẽ. Nhưng nhiều sản phẩm, thương hiệu Việt vẫn giữ được thị trường, một số thậm chí đã khẳng định được vị trí ở thị trường ngoài nước. Đó là thành công lớn.
- Một thông điệp được đưa ra tại Đại hội Đảng XII là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại và hội nhập. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp thời gian tới?
- Đây là một chủ trương, định hướng quan trọng nhất trong đường lối chính sách kinh tế của Đảng, theo đó, chúng ta sẽ đi con đường chung của nhân loại để hướng tới một thể chế kinh tế thị trường tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp Việt Nam không những có cơ hội hoạt động trong môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn toàn cầu mà còn hướng tới những thực tiễn tốt nhất trên thế giới. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã thể hiện điều này khi đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN về môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta sẽ hướng tới những chuẩn mực kinh tế và thương mại hàng đầu của thế kỷ XXI và sẽ có động lực cải cách mạnh hơn nữa, bớt mò mẫm hơn trong việc xây dựng thể chế kinh tế.
Tôi hy vọng Đại hội Đảng lần này sẽ mở ra làn sóng đổi mới thứ hai cho Việt nam với yêu cầu và đặc trưng cơ bản là hướng tới các tiêu chuẩn phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập trên thế giới. Cá nhân tôi thấy một điểm thú vị là ngày 3/2, chúng ta kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì rạng sáng ngày 4/2, hiệp định TPP chính thức được ký kết tại Auckland - Newzeland. Có thể nói, đây như một sự hợp duyên giữa chủ trương đổi mới của Đảng ta với xu hướng hội nhập chung của kinh tế thế giới.
Song, quá trình này vừa mang đến cơ hội, nhưng cũng tạo ra thách thức cho doanh nghiệp. Cơ hội là cộng đồng doanh nghiệp được sống trong môi trường cạnh tranh, sáng tạo và lành mạnh hơn. Nhưng muốn tận dụng được cơ hội đó, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi, phải chuẩn bị cho một tâm thế đương đầu với một cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Thách thức lớn nhất là doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả phù hợp mà còn phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và hướng tới những tiêu chuẩn cao về minh bạch, liêm chính. Vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành hơn.
- Ông nhận định thế nào về khả năng doanh nghiệp, bộ máy hành chính Việt Nam có thể đáp ứng những chuẩn mực cao hơn trong thời gian tới?
- Khi Thủ tướng Anh, hoàng tử Anh sang thăm Việt Nam, chủ đề họ đưa ra trong các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc đối thoại với cộng đồng kinh doanh luôn là liêm chính và sáng tạo, coi đó là các chuẩn để kết nối doanh nghiệp trong nước với thế giới. Có thể ví liêm chính là trái tim của hoạt động kinh doanh, còn sáng tạo chính là bộ não. Sáng tạo và liêm chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Về phía bộ máy hành chính, tôi cho rằng điểm quan trọng nhất là phải tăng trách nhiệm giải trình và hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là thước đo chất lượng của nền hành chính công vụ.
- Doanh nghiệp tư nhân nhiều năm qua được đánh giá có ít đất để phát triển, thậm chí còn bị chèn lấn. Vậy sau Đại hội Đảng, tình hình sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Đại hội Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh khu vực tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một quan điểm và chủ trương mới rất quan trọng.
Theo tôi, với doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng chính là điều kiện tiên quyết thúc đẩy họ phát triển. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính đối với việc thành lập và vận hành doanh nghiệp cũng phải tiếp tục đơn giản hóa theo chuẩn mực quốc tế, và những thực tiễn tốt nhất về thủ tục hành chính và quản trị trên thế giới. Tuy nhiên, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập nhưng Nhà nước cũng không được quên các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không một quốc gia nào trên thế giới lơ là việc này. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình quốc gia khởi nghiệp cần được triển khai để tạo thành bệ đỡ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển.
- Năm 2016, ông muốn gửi thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
- Năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Cạnh tranh cũng khắc nghiệt hơn. Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Giá sản phẩm, dịch vụ đầu ra khó tăng trong khi chi phí kinh doanh vẫn lớn: chi phí thủ tục hành chính chưa giảm như kỳ vọng, chi phí vốn, chi phí lao động và một số chi phí đầu vào khác sẽ tiếp tục gia tăng.
Do vậy, hành trang năm Bính Thân 2016, tôi hy vọng các doanh nhân, doanh nghiệp luôn giữ được tinh thần dũng cảm, sáng tạo nhưng cũng phải cẩn trọng. Hãy tiết kiệm làm, ăn bài bản, làm thật, phải nỗ lực vươn tới những chuẩn mực toàn cầu...