Doanh nghiệp cảng biển lạc quan về triển vọng năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những thách thức từ cạnh tranh và biến động từ quốc tế, ngành cảng biển Việt Nam vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Cảng Sài Gòn, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Công ty CP Cảng Quy Nhơn… đều đặt mục tiêu lợi nhuận tăng so với năm 2024.
Kế hoạch kinh doanh của một số doanh nghiệp cảng biển. Nguồn: Báo cáo thường niên, tài liệu họp cổ đông doanh nghiệp. Đơn vị tính: tỷ đồng) - (*): Lợi nhuận sau thuế Hải An
Kế hoạch kinh doanh của một số doanh nghiệp cảng biển. Nguồn: Báo cáo thường niên, tài liệu họp cổ đông doanh nghiệp. Đơn vị tính: tỷ đồng) - (*): Lợi nhuận sau thuế Hải An

Theo Báo cáo thường niên năm 2025, Công ty CP Cảng Sài Gòn đặt mục tiêu 1.214 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 316 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với năm trước. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 10 triệu tấn (giảm 2%), trong đó sản lượng container đạt 251.600 TEU.

Báo cáo của Công ty CP Cảng Sài Gòn nhận định, Công ty sẽ chịu nhiều tác động khách quan từ hoạt động của các liên doanh, cũng như sự thay đổi chính sách trong năm 2025. Cụ thể, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến khởi công trong năm 2025 có thể tác động đến tâm lý khách hàng. Bên cạnh đó, diện tích khai thác tại cảng Tân Thuận bị thu hẹp, làm giảm khả năng tiếp nhận tàu. Việc di dời khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Để ứng phó với những thách thức này, Công ty CP Cảng Sài Gòn dự kiến tìm kiếm khách hàng mới, tập trung phát triển tại các khu vực Hiệp Phước, Tân Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời phát triển dịch vụ gia tăng nhằm bù đắp sản lượng sụt giảm.

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, chủ sở hữu cảng Hải An (Đình Vũ, Hải Phòng) dự kiến tổng sản lượng khai thác (cảng, tàu, depot) năm 2025 tăng 12,6% so với năm 2024, lên 1.506.840 TEU. Trong đó, sản lượng khai thác cảng dự kiến giảm 0,7% xuống còn 545.000 TEU, sản lượng khai thác tàu tăng 25,7% lên 761.840 TEU, phần còn lại là sản lượng depot. Tổng doanh thu năm 2025 dự kiến đạt 4.243 tỷ đồng và lợi nhuận ròng của công ty mẹ đạt 702 tỷ đồng, tăng tương ứng 5,4% và 8% so với năm 2024.

Trong lĩnh vực cảng biển, Ban lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho biết, cảng Hải An đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các cảng trong cụm cảng Hải Phòng. Thậm chí, một số đối thủ sẵn sàng giảm 20% giá hoặc chấp nhận lỗ để thu hút khách hàng, đặc biệt là khi một số bến container thuộc Dự án Cảng quốc tế Lạch Huyện bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, Công ty đã chủ động đầu tư tàu container và tổ chức tuyến vận tải container nội địa nhằm bảo đảm công việc. Với việc phát triển tuyến vận chuyển container nội địa và hợp tác với các hãng vận tải container nước ngoài để duy trì các tuyến vận chuyển container ngắn (Feeder), hiệu quả kinh doanh của Công ty chắc chắn sẽ được bảo đảm. Bên cạnh đó, Công ty sẽ thúc đẩy việc tăng năng suất và tiết giảm chi phí trong hoạt động khai thác cảng, depot… nhằm gia tăng lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp cảng biển khác đã công bố kế hoạch kinh doanh như Công ty CP Cảng Quy Nhơn với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2024; Công ty CP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng đặt mục tiêu lãi trước thuế 175,4 tỷ đồng, tăng 5%; Công ty CP ICD Tân Cảng - Long Bình dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 134 tỷ đồng, tăng 6%.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó, hàng container thông qua hệ thống cảng biển ước đạt 29,9 triệu TEU, tăng 21%.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, ngành vận tải biển năm 2025 sẽ giữ đà tăng trưởng do dự báo sản lượng vận chuyển tiếp tục gia tăng. Cụ thể, động lực phát triển của doanh nghiệp cảng biển chủ yếu đến từ nguồn vốn FDI dự báo tiếp tục tăng trong năm 2025. Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam có thể gia tăng nhờ sự phục hồi của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng biển có thể hưởng lợi từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhờ xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước khi chính sách thuế được áp dụng.

Tin cùng chuyên mục