Doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, sản phẩm, đặc biệt là nhà ở thương mại hướng đến nhu cầu thực. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy những cam go trước mắt vẫn còn, nhưng theo nhiều chuyên gia BĐS, năm 2025, cơ hội hồi phục của ngành BĐS bắt đầu rõ nét hơn. Ngoài các luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đã và đang được hấp thụ tốt, số lượng các dự án được gỡ vướng hoàn toàn về pháp lý ngày càng tăng, đặc biệt sức cầu thị trường vẫn còn nhiều trong khi nguồn cung rất ít.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), dẫu “mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng “mẫu số chung” của các ông chủ địa ốc trong năm 2025 là cần phải tiếp tục nỗ lực tối đa để tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư, sản phẩm BĐS, đặc biệt là nhà ở thương mại hướng đến nhu cầu thực. Bởi nếu đi chệch “quỹ đạo” này, nhiều DN BĐS sẽ khó có cơ hội để làm lại từ đầu.
Với quyết tâm cơ cấu lại nguồn lực tài chính, giảm dư nợ trái phiếu, gần đây, Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt đã trả sạch nợ trái phiếu. Theo ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT của BĐS Phát Đạt, từ nay đến năm 2027, Công ty có ít nhất 6 dự án sẽ triển khai liên tục. Để làm được điều này, trước đó Phát Đạt đã bán một loạt tài sản như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, Công ty CP Địa ốc Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư BĐS BIDICI…, “sốc lại hành trang” đầu tư kinh doanh.
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh cho biết, từ năm 2025, Đất Xanh sẽ có những thay đổi mang tính chiến lược về kế hoạch kinh doanh, phát triển dự án cũng như bộ máy nhân sự. Ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Đất Xanh nhận định, các dự án đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn 2025 - 2026 của Đất Xanh sẽ đón đầu và đáp ứng nguồn cầu lớn của phân khúc nhà ở trung bình khá để tạo ra những kết quả kinh doanh đột phá cho Tập đoàn.
Bị cuốn vào “cơn bão” khủng hoảng của thị trường BĐS từ cuối năm 2022, Tập đoàn Novaland là một trong những DN lớn ngành địa ốc bị ảnh hưởng nhiều nhất. Qua gần 3 năm tái cơ cấu toàn diện, cục diện bắt đầu lấy lại thế cân bằng. 3 dự án trọng điểm của Novaland gồm NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City tiếp tục được gỡ vướng pháp lý và đẩy nhanh tiến độ thi công.
Từ khi thành lập các tổ công tác về phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản đến nay, TP.HCM đã có 8 dự án được giải quyết dứt điểm vướng mắc. Ảnh: Nhã Chi |
Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho hay, đã có hơn 2.460 sản phẩm nhà phố, biệt thự tại 3 dự án nói trên được bàn giao cho khách hàng. Trong năm 2025, Novaland tiếp tục đẩy mạnh khởi công các phân khu/phân kỳ mới, xây dựng hoàn thiện các công trình, tăng tốc đưa vào vận hành hệ thống tiện ích để phục vụ khách hàng. Hiện Công ty đang hoàn tất các thủ tục cần thiết, dự kiến trong năm 2025 sẽ trao sổ hồng cho khoảng 7.041 căn hộ tại các dự án ở TP.HCM: Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè), The Sun Avenue (TP. Thủ Đức), Kingston Residence (quận Phú Nhuận), Lucky Palace (Quận 6), Sunrise City (Quận 7) và Orchard Garden (quận Phú Nhuận).
“Băn khoăn lớn nhất của nhiều DN BĐS là ở TP.HCM hiện vẫn còn hơn 100 dự án nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết, trong khi người dân mỏi mòn tìm nhà ở vừa túi tiền. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước, DN và người dân. Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, khi tháo gỡ được điểm nghẽn pháp lý này, nguồn cung dồi dào sẽ giúp giá nhà hạ nhiệt và khách hàng có nhiều lựa chọn”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Thời gian qua, một số dự án BĐS đã đạt được tiến triển pháp lý tích cực sau thời gian dài trì hoãn. Từ khi thành lập các tổ công tác về phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS đến nay, TP.HCM đã có 8 dự án được giải quyết dứt điểm vướng mắc, 26 dự án đang được các sở, ngành và TP. Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định. Trong năm 2025 và các năm tới, số dự án này sẽ bổ sung một lượng lớn sản phẩm ra thị trường, giúp “giải cơn khát” về nguồn cung, góp phần “hạ nhiệt” giá nhà.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó Chủ tịch Hanita Master nhận xét, nhìn vào nghịch lý trong 2 năm gần đây khi thị trường BĐS rơi vào khó khăn và trầm lắng, nhưng phân khúc BĐS cao cấp và hạng sang lại thống lĩnh cho thấy, nếu sự lệch cung và méo mó này không sớm được điều chỉnh, thị trường sẽ mất cân đối nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy “khó đỡ”, nhất là tình trạng giá nhà leo thang.
Trong một báo cáo mới đây gửi lãnh đạo UBND TP.HCM, HoREA đã kêu gọi các DN BĐS cần “kéo giảm giá nhà” về mức hợp lý, đồng thời khuyến nghị các DN luôn luôn hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tích cực tham gia “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030” để tái cấu trúc thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu thực của các tầng lớp trong xã hội.