Doanh nghiệp kêu khó xác định dự án ứng dụng công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Muốn xác định dự án ứng dụng công nghệ cao (CNC) phải căn cứ vào những tiêu chí cụ thể, trong khi những quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BKHCN hiện không còn phù hợp.
Việc xác định dự án ứng dụng công nghệ cao dựa vào các tiêu chí như công nghệ, lao động, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… Ảnh: Song Lê
Việc xác định dự án ứng dụng công nghệ cao dựa vào các tiêu chí như công nghệ, lao động, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… Ảnh: Song Lê

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư này nhằm đưa ra những tiêu chí cụ thể cũng như quy định về thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng CNC, doanh nghiệp (DN) thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNC, DN CNC.

Xác định tiêu chí cụ thể

Về cơ bản, việc xác định dự án ứng dụng CNC tại Dự thảo Thông tư nói trên vẫn dựa vào các tiêu chí như công nghệ, lao động, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hệ thống quản lý chất lượng của dự án, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tiết kiệm năng lượng (MT&TKNL). Tuy nhiên, thay vì quy định chung chung như Thông tư 32/2011/TT-BKHCN, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể hơn các tiêu chí này.

Về lao động, có 3 trường hợp cụ thể để xác định dự án ứng dụng CNC. Một là, với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và có từ 3.000 lao động trở lên, số lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 1%. Hai là, với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng đến dưới 6.000 tỷ đồng và có từ 300 đến dưới 3.000 lao động, thì số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người. Thứ ba, ngoài các trường hợp trên, số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 5%.

Về tiêu chí hệ thống quản lý chất lượng, Dự thảo Thông tư quy định, hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt một trong các tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, HACCP, CMM hoặc GMP (tùy theo đặc thù dự án ứng dụng CNC áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế).

Về tiêu chí MT&TKNL, Dự thảo Thông tư quy định, dự án phải áp dụng các biện pháp thân thiện MT&TKNL trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Về chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC được thực hiện tại Việt Nam, thay vì quy định hạn mức tối thiểu là 1% doanh thu của dự án như Thông tư 32/2011/TT-BKHCN, Dự thảo Thông tư chia thành 2 trường hợp. Một là, với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động trên 300 người, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 0,5% tổng doanh thu thuần của dự án. Trong trường hợp dự án không thuộc trường hợp nêu trên, thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu thuần của dự án.

Đáng chú ý, phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao được ứng dụng trong dự án và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ cũng được xem là một trong những chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC của dự án.

Tạo thuận lợi, tránh phát sinh thêm thủ tục

Trên cơ sở ý kiến của cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Ban soạn thảo Thông tư xem xét, cân nhắc đối với một số quy định về tiêu chí chi phí hoạt động ứng dụng CNC được thực hiện tại Việt Nam; tiêu chí về MT&TKNL...

Trong đó, tiêu chí chi phí hoạt động ứng dụng CNC được thực hiện tại Việt Nam dựa trên việc xác định tỷ lệ % tổng doanh thu thuần của dự án cần sửa đổi theo hướng chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được tính trên phần giá trị gia tăng tại Việt Nam, tức là tính trên doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào là nguyên liệu sản xuất (nhập khẩu hoặc mua trong nước). Bởi theo phản ánh của DN, khi hoàn thành một sản phẩm để đưa ra thị trường, chi phí nghiên cứu và phát triển có thể cố định. Nhưng khi mở rộng sản xuất, tăng doanh thu, nếu vẫn áp dụng tỷ lệ % cứng như quy định (0,5% hoặc 1%) dựa trên tổng doanh thu thuần, thì nhiều khả năng dự án sẽ không đáp ứng được điều kiện. Điều này vô hình trung sẽ cản trở nhà đầu tư khai thác hiệu quả công nghệ của dự án đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc liên kết với các nhà sản xuất khác để chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất.

Quy định về chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC tại Dự thảo Thông tư, theo VCCI, dẫn đến cách hiểu là phí bản quyền, li-xăng chỉ được tính vào chi phí cho hoạt động ứng dụng CNC khi hợp đồng chuyển giao đã thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định. Trong khi đó, theo phản ánh của DN, thực tế một số dự án đầu tư vào khu CNC được hưởng ưu đãi theo địa bàn nên không thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để được hưởng ưu đãi theo diện này. Như vậy, theo quy định tại Dự thảo, phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ không được tính vào chi phí hoạt động ứng dụng CNC, trong khi thực tế có phát sinh chi phí bản quyền, li-xăng. Điều này không tạo thuận lợi và có thể làm phát sinh thêm thủ tục cho DN. Do đó, một số DN đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng các trường hợp trên DN cũng sẽ được tính phí bản quyền, li-xăng vào chi phí hoạt động ứng dụng công nghệ.

Cùng với đó, VCCI cho rằng, tiêu chí MT&TKNL cần được quy định cụ thể và minh bạch hơn về các tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành. Chẳng hạn như tiêu chí về môi trường, nên khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000 hoặc tương đương; tiêu chí tiết kiệm năng lượng nên khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Tin cùng chuyên mục