Doanh nghiệp lo thiếu nhân lực trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều dự báo của chuyên gia, quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất mạnh mẽ, cùng với việc triển khai chương trình phục hồi, kích thích kinh tế, cơ hội việc làm sẽ có nhiều hơn. Đồng thời, nguy cơ thiếu hụt lao động cũng dần hiện hữu, gây áp lực cho nhiều doanh nghiệp.
Theo số liệu của ngành thống kê tới 15/12/2021, khoảng 2,2 triệu lao động hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Ảnh: Tường Lâm
Theo số liệu của ngành thống kê tới 15/12/2021, khoảng 2,2 triệu lao động hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Ảnh: Tường Lâm

Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi

Theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, song song với quá trình khôi phục kinh tế, thị trường lao động việc làm quý IV/2021 đã có nhiều điểm sáng. So với quý trước, lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV/2021 đều tăng; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm. Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động mặc dù còn phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận.

Số lao động có việc làm trong quý IV đã dần tăng trở lại, nhưng chủ yếu tăng ở nhóm người có việc làm phi chính thức. Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước, nhưng cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động vẫn còn nhiều thách thức do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.

Cụ thể, trong quý IV năm 2021, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. So với quý trước, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch đã giảm 3,5 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7%, tuy thấp hơn 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước nhưng đã cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với quý trước. Trong quý IV năm 2021, sau khi tiêm vắc xin mũi 2 bao phủ rộng và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số người có việc làm đã dần tăng trở lại.

Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ

Đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động trong nước, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Trong quý III/2021, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến sự dịch chuyển lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Theo số liệu của ngành thống kê tới 15/12/2021, khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP.HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.

Ông Lê Văn Thanh nhận định, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Trong năm 2022, Chính phủ sẽ triển khai chương trình phục hồi kinh tế lớn, nhiều gói kích thích kinh tế sẽ được triển khai, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Riêng đối với lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2022 thì cơ hội việc làm cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng là vô cùng lớn. Tuy nhiên, một trong những thách thức mà các doanh nghiệp xây dựng sẽ phải đối mặt là sự thiếu hụt lao động. Do đại dịch, nên việc huy động lực lượng công nhân từ các địa phương khác về các thành phố lớn (như Hà Nội, TP.HCM…) và các vùng có dự án là rất khó khăn. Chưa kể tới thách thức về thời gian đào tạo cơ bản cho đội ngũ nhân lực chủ yếu là lao động thời vụ, có đặc thù thay đổi liên tục như ngành xây dựng.

Theo ông Lê Văn Thanh, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.

Nhận định thị trường lao động vẫn đứng trước nhiều khó khăn thử thách, Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất để ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch.

Tin cùng chuyên mục