Ảnh Internet |
Trước những diễn biến khó lường từ kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 ghi nhận mức giảm lần lượt 5,9% và 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng khối lượng vận tải hàng hóa nước ta ước đạt 2.062,3 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải thủy nội địa có mức tăng lớn nhất đạt 18,5%; vận tải hàng không, đường bộ, đường biển có mức tăng lần lượt là 13,6%, 11,7% và 9,9%; riêng với vận tải đường sắt, lượng hàng hóa ghi nhận mức sụt giảm đáng kể 22,4%.
Xét riêng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển lũy kế từng tháng năm 2023, thời điểm tháng 1 có lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng âm; đến hết quý I, duy nhất lượng hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển ghi nhận tăng trưởng dương. Lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng hàng hóa xuất khẩu chưa ghi nhận cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi; ngược lại, hàng hóa nhập khẩu và nội địa đã tăng trưởng dương nhưng con số chưa thể vượt được mức 4,0%.
Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam từ tháng 1 - 8/2023 |
Về phía doanh nghiệp logistics, theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể.
Yếu tố chi phí của doanh nghiệp logistics ghi nhận nhiều điểm sáng khi có tới 60% doanh nghiệp có tổng chi phí giảm. Điều này cũng phản ánh chính xác những nỗ lực ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất cho vay cho từ phía Chính phủ.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp logistics năm 2023, tháng 10 - 11/2023 |
Chứng kiến sự chững lại của kinh tế toàn cầu, cùng với kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm 2023, theo Vietnam Report, các doanh nghiệp logistics trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do giảm số lượng đơn hàng, kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn chính trị trên thế giới.
Bên cạnh đó là thách thức liên quan tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng thua lỗ 3 - 5 năm để giành được thị phần. Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử - nơi phát sinh sản lượng ngành logistics ngày càng lớn hiện nay, các doanh nghiệp này mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics, tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp logistics năm 2023, tháng 10 - 11/2023 |
Theo Vietnam Report, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức từ các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp, gồm: biến động giá năng lượng, sức ép tỷ giá, lạm phát cao, khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư.
Cuối cùng là khó khăn về nhân lực chi phối và làm hạn chế năng lực trong doanh nghiệp. Với đặc thù của ngành khi được hình thành và phát triển lớn mạnh trên thế giới, những ràng buộc trong một quy trình thực hiện đã được thiết lập sẵn, yếu tố chuyên môn của nhân lực ngành logistics ngày càng được chú trọng. Theo Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (Valoma), dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đạt khoảng 10%. Số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ Logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, có thể nói, nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ngành logistics đang thúc đẩy làn sóng tiến bộ công nghệ, tự động hóa quy trình và bảo vệ môi trường. Ảnh: Internet |
Trước nhiều kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 của Việt Nam, các doanh nghiệp logistics cũng bày tỏ lạc quan khi có 34,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành này sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Những kỳ vọng lạc quan có được nhờ dấu hiệu phục hồi của cầu quốc tế, tác động tích cực đến doanh thu của Ngành trong thời gian tới. Hơn nữa, hệ thống cảng - cửa ngõ giao thương quốc tế có được bệ phóng nhờ những thay đổi chính sách của Cục Hàng hải Việt Nam về Dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT. Theo đó, Dự thảo đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container từ năm 2024 tại một số khu vực như cảng Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Nếu cảng có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT thì có thể tăng thêm 10% phí dịch vụ nữa, đồng nghĩa việc các cảng có thể tăng chi phí bốc xếp lên 20% so với hiện tại. Kết hợp giữa cầu vận tải tăng cùng chính sách cho phép tăng giá dịch vụ mang lại triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp ngành logistics nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nhóm ngành khai thác cảng.
Trong bối cảnh không ngừng phát triển, ngành logistics đang thúc đẩy làn sóng tiến bộ công nghệ, tự động hóa quy trình và bảo vệ môi trường. Để luôn dẫn đầu và duy trì tính cạnh tranh, doanh nghiệp logistics cần luôn cập nhật các xu hướng mới nổi và có liên quan. Những doanh nghiệp thành công là những đơn vị nắm bắt được những xu hướng và thách thức mới nhất trong ngành logistics và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả để tận dụng chúng.