Doanh nghiệp Mỹ gửi thông điệp tới Phố Wall: Cắt giảm chi phí là "vấn đề sống còn" trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ các nhà sản xuất đồ chơi, mỹ phẩm cho đến phần mềm văn phòng, các giám đốc điều hành ở nhiều lĩnh vực đã tuyên bố cắt giảm nhân sự và các kế hoạch khác nhằm hạ chi phí sản xuất - kinh doanh. Các hoạt động này được diễn ra ngay cả ở một số công ty đang có lãi. Nhà sản xuất búp bê Barbie - Mattel, PayPal, Cisco, Nike, Estée Lauder và Levi Strauss chỉ là một vài trong số các doanh nghiệp đã cắt giảm việc làm trong những tuần gần đây.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Macy’s - một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ cho biết sẽ đóng cửa 5 cửa hàng bách hóa và cắt giảm hơn 2.300 việc làm. Trong khi đó, United Airlines đã cắt giảm suất ăn hạng nhất trên một số chuyến bay của hãng.

Trong khi người tiêu dùng "chú ý đến ví tiền" nhiều hơn, các doanh nghiệp đã bắt đầu cảm thấy áp lực từ nhà đầu tư khi họ buộc phải làm điều tương tự. Giới lãnh đạo doanh nghiệp đã tìm cách cho các cổ đông thấy rằng họ đang điều chỉnh theo nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tích cực kiểm soát các khoản chi phí tăng cao.

Trong những năm trước, doanh nghiệp có thể thoải mái tăng giá và đưa chi phí cao hơn lên khách hàng, những người sẵn lòng chi tiêu cho mọi thứ, từ các thiết bị gia dụng mới đến kỳ nghỉ trên bãi biển. "Tuy nhiên, sức mạnh định giá của các doanh nghiệp đã giảm đi, khiến các giám đốc điều hành đang tìm cách khác để quản lý ngân sách hoặc kiếm thêm lợi nhuận", Gregory Daco - nhà kinh tế trưởng của EY nhận định.

Theo ông Gregory Daco, chi phí của hầu hết mọi thứ đều cao hơn nhiều so với trước đại dịch, cho dù đó là hàng hóa đầu vào, thiết bị, lao động, thậm chí cả lãi suất.

Vẫn có một số doanh nghiệp đứng ngoài "làn sóng" cắt giảm chi phí gần đây. Tháng trước, "ông trùm bán lẻ" Walmart cho biết sẽ xây dựng hoặc chuyển đổi hơn 150 cửa hàng trong 5 năm tới, cùng với khoản đầu tư hơn 9 tỷ USD để hiện đại hóa nhiều cửa hàng hiện tại.

Trong khi đó, một số công ty đã thực hiện việc giảm mạnh chi phí trong năm 2023. Năm trong số các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, bao gồm Wells Fargo và Goldman Sachs, đã cùng nhau cắt giảm hơn 20.000 việc làm trong năm ngoái. Hiện các nhà băng này đang chờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất để giải phóng tiền mặt cho các hoạt động mua bán và sáp nhập đang bị dồn nén.

Nhưng các biện pháp giảm chi phí được công bố chỉ trong vài tuần đầu năm nay đã dẫn đến hàng chục nghìn việc làm mất đi. Theo Challenger, Gray and Christmas, trong tháng 1/2024, các doanh nghiệp Mỹ công bố 82.307 việc làm bị cắt giảm, gấp đôi so với tháng 12/2023. Mặc dù vậy, con số này vẫn giảm 20% so với tháng 1/2023.

Việc siết chặt chi phí từ những tháng trước đó đã bắt đầu hiện rõ trong các báo cáo tài chính. Cho đến nay, trong mùa báo cáo lợi nhuận này, kết quả đã chỉ ra rằng, các công ty đã tập trung vào việc tăng lợi nhuận mà không có động lực từ việc tăng giá đột ngột và tăng trưởng doanh số bán hàng lớn.

Tính đến giữa tháng 2/2024, hơn 3/4 doanh nghiệp thuộc nhóm S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tổng lợi nhuận quý IV/2023 của các công ty trong S&P 500 đang có xu hướng tăng gần 10%, trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ với mức 3,4%.

2023 là "năm hiệu quả" đối với công ty mẹ của Facebook và Instagram. Ảnh: Internet

2023 là "năm hiệu quả" đối với công ty mẹ của Facebook và Instagram. Ảnh: Internet

Sa thải, cắt chuyến bay và đóng cửa cửa hàng

Mặc dù việc doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận cao không phải là mới, nhưng trong năm nay, họ đã ưu tiên củng cố lợi nhuận.

Quá trình thu hẹp quy mô đã lan rộng khắp ngành công nghệ, khi các công ty tiếp bước chiến lược cắt giảm trong năm 2023 của Meta, điều mà nhiều nhà phân tích tin rằng đã giúp "gã khổng lồ" truyền thông mạng xã hội phục hồi sau năm 2022 khó khăn. CEO Mark Zuckerberg cho biết, 2023 là "năm hiệu quả" đối với công ty mẹ của Facebook và Instagram.

Trong những tuần gần đây, Amazon, Alphabet, Microsoft và Cisco cùng nhiều hãng công nghệ khác đã thông báo cắt giảm nhân sự.

Các biện pháp cắt giảm không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ. CEO Carol Tome của UPS - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics - cho biết, do nhu cầu suy yếu, hãng đang cắt giảm 12.000 việc làm, giúp tiết kiệm 1 tỷ USD. Nhiều nhà bán lẻ, truyền thông và giải trí lớn tại Mỹ cũng đã tuyên bố giảm quy mô nhân sự, bên cạnh những biện pháp cắt giảm chi phí khác.

Warner Bros. Discovery đã cắt giảm chi tiêu cho nội dung và số lượng nhân viên như một phần trong tổng số tiền tiết kiệm 4 tỷ USD từ việc sáp nhập Discovery và WarnerMedia. Trong khi Disney hứa sẽ giảm chi phí 5,5 tỷ USD vào năm 2023, đi cùng 7.000 việc làm bị cắt giảm.

Tuần trước, Paramount Global đã thông báo sa thải hàng trăm nhân sự trong nỗ lực nhằm "hoạt động như một công ty tinh gọn hơn và chi tiêu ít hơn", theo CEO Bob Bakish. NBCUniversal của Comcast, công ty mẹ của CNBC, gần đây cũng đã cắt giảm việc làm.

JetBlue Airways, hãng hàng không chưa công bố lợi nhuận hàng năm kể từ trước đại dịch Covid-19, đang trì hoãn khoảng 2,5 tỷ USD vốn đầu tư cho các máy bay Airbus mới cho đến cuối thập kỷ này, loại bỏ các tuyến không có lợi nhuận. Trong khi đó, Delta Air Lines cho biết đang cắt giảm một số công việc văn phòng và gọi đây là một "sự điều chỉnh nhỏ".

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chuyển đổi mô hình

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp đã đưa ra một số giả thuyết về việc một số công ty đang "lấy lại hơi" sau một giai đoạn bất thường kéo dài 4 năm do đại dịch và hậu quả của nó.

Theo ông Gregory Daco, những năm qua đã chứng kiến sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với hàng hóa, dịch vụ và thậm chí cả lao động.

Người tiêu dùng tiếp tục mua sắm thoải mái, được thúc đẩy bởi sự kích thích của chính phủ và chi tiêu ít liên quan đến trải nghiệm hơn. Các hãng hàng không chứng kiến nhu cầu tăng mạnh và sau đó giảm sút. Các công ty đã sa thải công nhân trong thời kỳ đầu của đại dịch và sau đó phải vật lộn để tuyển dụng nhân sự.

Ông Gregory Daco kỳ vọng các công ty trong năm nay sẽ "tìm kiếm sự cân bằng". "Chúng ta đang chứng kiến ​​sự tái cân bằng đang diễn ra trên thị trường lao động, thị trường vốn. Việc tái cân bằng đó vẫn sẽ diễn ra và dần dần tạo nên một môi trường bền vững hơn với lạm phát và lãi suất thấp hơn, và có lẽ tăng trưởng chậm hơn một chút", ông Gregory Daco nhận xét.

Ngành công nghiệp ô tô đã phải đối mặt với vấn đề về nguồn cung trong suốt đại dịch Covid-19, nhưng hiện phải đối mặt với vấn đề tiềm ẩn về nhu cầu. Theo Cox Automotive, lượng xe tồn kho mới đang tăng lên - vượt 2,5 triệu chiếc - buộc các nhà sản xuất ô tô phải tăng thêm nhiều ưu đãi để bán xe hạng nhẹ và xe tải từ các đại lý. Các nhà sản xuất ô tô cũng đang phải đối mặt với việc áp dụng xe điện chậm hơn dự kiến.

David Silverman, nhà phân tích bán lẻ tại Fitch Ratings cho biết, các công ty đang "cảm nhận sức ép khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chững lại và thậm chí có thể sụt giảm".

Việc cắt giảm chi phí tại UPS, Hasbro và Levi đều diễn ra sau sự sụt giảm doanh số bán hàng trong quý tài chính gần đây nhất. Macy's - công ty sẽ báo cáo lợi nhuận vào cuối tháng này - dự báo doanh số bán hàng tại các cửa hàng sẽ giảm, với những dấu hiệu ban đầu cho thấy người tiêu dùng giảm chi tiêu trong tháng 1/2024.

Hầu hết các nhà bán lẻ lớn, bao gồm Walmart, Target và Home Depot, sẽ báo cáo thu nhập trong những tuần tới.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho biết, họ không kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, nhưng dự đoán chi tiêu tùy ý của chính phủ sẽ tiếp tục giảm.

"Một phần quyết định giảm cơ cấu chi phí của các công ty phù hợp với quan điểm của họ rằng, năm 2024 có thể không phải là một năm tuyệt vời nếu xét theo quan điểm tăng trưởng doanh thu", ông David Silverman cho biết. Ngoài ra, theo ông, các công ty đã phải tìm nguồn tiền để đầu tư vào công nghệ mới như cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại điện tử, chuỗi cung ứng linh hoạt hoặc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.

Tin cùng chuyên mục