Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đạt 31.650 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong niên độ tài chính 2022 - 2023. Ảnh: Nhã Chi |
Doanh nghiệp thép tăng giá bán sản phẩm
Trong những ngày làm việc cuối cùng của năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã thông báo tăng giá bán các mặt hàng tôn mạ, thép dày mạ, ống thép mạ kẽm thêm 200 đồng/kg. Mức giá mới được áp dụng từ 6/1/2024.
Ngày 19/12/2023, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thành viên Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát thông báo tăng giá bán thép cây thêm 100.000 đồng/tấn, thép cuộn xây dựng tăng 150.000 đồng/tấn, ghi nhận đợt tăng giá bán sản phẩm thứ 3 của Tập đoàn Hòa Phát trong tháng 12/2023.
Việc tăng giá bán sản phẩm cũng được ghi nhận tại một loạt doanh nghiệp ngành thép khác trong tháng cuối cùng của năm 2023 trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc, thép phế tăng.
Trước tình hình tăng giá nguyên vật liệu, giá hợp đồng tương lai thép thanh trên Sàn giao dịch hợp đồng tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange) kết thúc năm 2023 ở mức 3.928 CNY/tấn, tăng mạnh so với mức 3.600 CNY/tấn vào giữa tháng 10/2023. Trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá thép cuộn cán nóng (thép HRC) kết thúc năm 2023 ở mức 1.093 USD/tấn, tăng 61,9% so với đầu tháng 9/2023.
Đà tăng giá của các sản phẩm thép và nguyên liệu luyện thép trên thị trường thế giới kéo giá các sản phẩm thép xây dựng, ống thép, tôn mạ trong nước tăng, kỳ vọng giúp các doanh nghiệp sản xuất thép cải thiện biên lợi nhuận nhờ lượng hàng tồn kho có giá vốn thấp. Thêm vào đó, tình hình tiêu thụ sản phẩm cũng ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 11/2023, sản lượng bán hàng thép các loại trên cả nước đạt 2,528 triệu tấn, tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022, ghi nhận tháng thứ ba liên tiếp sản lượng bán hàng tăng. Sản lượng thép thành phẩm xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2023 tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2024, Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự báo nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới sẽ tăng 1,9% với sự hồi phục ở nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Á, Mỹ… Sức cầu phục hồi là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho xu hướng giá thép.
Kết quả kinh doanh phân hóa
Sau giai đoạn khó khăn do sản lượng tiêu thụ và giá bán cùng sụt giảm sâu, các doanh nghiệp ngành thép vừa phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho, vừa phải mạnh tay giảm giá bán, tăng chiết khấu để giải phóng hàng hóa dẫn đến thua lỗ nặng trong nửa cuối năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép đã ghi nhận sự phục hồi.
Theo báo cáo bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế 11 tháng năm 2023, tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 5,96 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm chủ yếu trong giai đoạn nửa đầu năm, về cuối năm đã được cải thiện. Riêng trong tháng 11/2023, sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10/2023 và tăng tới 60% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức sản lượng cao nhất 20 tháng. Trong tháng 10/2023, tiêu thụ các sản phẩm thép của Hòa Phát cũng tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Quý IV/2023, Hòa Phát được dự báo có kết quả lợi nhuận khả quan. Bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể đạt 2.300 tỷ đồng trong quý IV/2023, đảo chiều so với mức lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Năm 2024, SSI Research dự báo lợi nhuận của Hòa Phát có thể đạt 11.200 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Hoa Sen, sau khởi đầu khó khăn với việc báo lỗ tới 680 tỷ đồng trong quý đầu niên độ tài chính 2022 - 2023, Tập đoàn đã có 3 quý liên tiếp báo lãi trở lại. Kết thúc niên độ tài chính, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Hoa Sen đạt 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 30 tỷ đồng.
Năm 2024, Ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen đánh giá, thị trường thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất, giá nguyên liệu chính sẽ ổn định và đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ có thể đạt 1,56 triệu tấn trong niên độ tài chính 2023 - 2024, tăng 11,4% so với niên độ trước. Bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ của Tập đoàn Hoa Sen có thể đạt 782 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023 - 2024.
Trong khi một số doanh nghiệp đầu ngành có cơ cấu tài chính lành mạnh và lợi thế cạnh tranh đang hồi phục tốt thì không ít doanh nghiệp cho tới nay vẫn gặp khó khăn trong duy trì hoạt động và liên tục báo lỗ.
Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (Thép SMC) báo lỗ sau thuế 586 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, lỗ lũy kế đến 30/9/2023 là 205,8 tỷ đồng. Bên cạnh doanh thu, lợi nhuận gộp giảm mạnh do thị trường khó khăn, Thép SMC còn phải đối mặt với chi phí dự phòng nợ xấu tăng cao, dòng tiền thiếu hụt và phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự và lên kế hoạch chuyển nhượng tài sản để cải thiện dòng vốn. HĐQT của Thép SMC vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 900.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng. Đây được đánh giá là kế hoạch đầy thách thức với Thép SMC.
Công ty CP Thép Pomina - một thương hiệu đầu ngành thép Việt Nam, vừa trải qua 6 quý thua lỗ liên tiếp với tổng số lỗ lũy kế tính tới 30/9/2023 lên tới 868,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lớn, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Công ty còn có một số khoản nợ vay quá hạn với tổng giá trị hơn 2.200 tỷ đồng và các khoản phải trả người bán quá hạn thanh toán tới hơn 922 tỷ đồng. Đây là loạt vấn đề dẫn đến tại báo cáo đã soát xét bán niên 2023, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.
Cho tới hết quý III/2023, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ 5/6 quý gần nhất với hàng loạt thành viên báo lỗ hoặc lợi nhuận không đáng kể trong các quý từ đầu năm đến nay.