Việc đầu tư đổi mới công nghệ được cho là đóng vai trò quyết định để các doanh nghiệp vượt qua áp lực cạnh tranh như hiện nay. Ảnh: Tất Tiên |
Loay hoay nguồn vốn
Theo kết quả khảo sát mới đây về thực trạng huy động vốn của các công ty sản xuất vùng Đông Nam Bộ của Dự án Năng lực thương mại Việt Nam (TCV), chỉ có 9,3% công ty dùng vốn vào mục đích đổi mới quy trình công nghệ. Trong khi đó, 52,3% số doanh nghiệp (DN) được hỏi cho biết dùng vốn để mua máy móc thiết bị mới và 36% cho việc đầu tư nhà xưởng.
Về vốn cổ phần để đầu tư hiện đại hoá công nghệ, thực tế khảo sát cho thấy số DN phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước chỉ chiếm có 2,3%; còn các DN phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài thì hầu như không có. Nếu có nhu cầu đầu tư hiện đại hoá công nghệ, có đến 97,7% số DN đã trả lời là huy động vốn bằng nguồn khác chứ không vào hai hình thức trên.
Trên thực tế, nếu muốn đầu tư công nghệ nhưng đối mặt với điều kiện tín dụng khó khăn, các DN nhỏ và vừa (SME) thường tìm kiếm các nguồn vốn thay thế như huy động vốn theo cách riêng của họ (vốn chủ sở hữu, gia đình và bạn bè, bán tài sản) và các nguồn bên ngoài, bao gồm tài trợ qua giấy nợ thương mại (bao thanh toán, chiết khấu, chi phí phạt), cho thuê tài chính và tăng vốn chủ sở hữu, tiếp cận các tài trợ và các nguồn rủi ro khác.
Từ kết quả khảo sát này, TS. Trần Quang Thắng, cố vấn thương mại dự án TCV, đã lưu ý các SME phải xem đổi mới công nghệ là vấn đề then chốt. Nhất là các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn như cơ khí, đồ gỗ, dệt may, da giày…
Theo TS. Trần Quang Thắng, cần tiếp tục cải thiện việc tiếp cận vốn cho các SME. Điều quan trọng là cần phải xem xét lại các khuôn khổ pháp lý (nhất là khả năng không trả được nợ và tổ chức lại của các SME) và hệ thống thuế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh và ổn định; với một mức độ quan liêu thấp và các cấu trúc thuế dựa vào việc ưu đãi hơn là các rào cản.
Bao giờ làm chủ công nghệ?
Có thể lấy trường hợp Công ty CP Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal (100% vốn trong nước, trụ sở tại Tiền Giang) là điển hình của một DN nội đã được hưởng thành quả nhờ sớm đầu tư công nghệ mới.
Từ một DN thuộc dạng SME, Duhal đã tự thu xếp số vốn 5 triệu USD để đầu tư 3 nhà máy theo công nghệ mới, nhất là dây chuyền công nghệ sản xuất Chip Led và nội địa hóa 95% trong sản xuất. Điều đó giúp Công ty chiếm 28% thị phần đèn led trong nước và xuất khẩu mạnh ra thị trường khu vực. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này vẫn mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN nội đầu tư công nghệ, bởi vì thành công như Duhal chủ yếu là do “tự thân vận động”.
Cũng theo chuyên gia R&D Nguyễn Hoàng Dũng, các nhà thầu là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước cần phải được đào tạo để hiểu biết và làm chủ các công nghệ hiện đại. Điều mà các nhà thầu nội cần nhất là các chính sách minh bạch, phương pháp hỗ trợ thiết thực nhất dành cho họ trong thời điểm hiện tại.