Biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP bắt đầu có hiệu lực từ 19/8/2017. Ảnh: Thế Vinh |
Kết quả kinh doanh 6 tháng cải thiện
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, hiện có 14 DN kinh doanh phân bón có cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nửa đầu năm 2017, kết quả kinh doanh của các DN này có chuyển biến tích cực hơn khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2016.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của các DN ngành phân bón niêm yết trên thị trường tăng trưởng lần lượt là 0,7% (đạt 21.958 tỷ đồng), và gần 5% (đạt 1.692 tỷ đồng). Một số DN ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan như Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM), Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS), Công ty CP Phân bón Bình Điền (mã BFC), và Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã QBS)...
Công ty CP DAP - VINACHEM (mã DDV) kết thúc 6 tháng với kết quả thua lỗ nhưng mức thua lỗ đã thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của DAP - VINACHEM đạt 919 tỷ đồng, tăng 58,58% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế âm 54 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2016 âm 211 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh đã cải thiện nhưng DN ngành phân bón vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn do áp lực thừa cung. Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc Trung Quốc cắt giảm mạnh sản lượng sản xuất Ure và DAP (từ 30 - 50% sản lượng) khiến giá 2 loại phân bón này tăng mạnh từ cuối năm 2016 đến đầu tháng 3/2017. Tuy nhiên, do dư cung toàn cầu và dự báo tăng thêm 10,6 triệu tấn trong giai đoạn từ 2017 - 2021, giá phân bón quay đầu giảm trở lại từ đầu tháng 3/2017.
Giá cổ phiếu ngành phân bón lên tiếng theo cách riêng
Ngày 4/8, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn, bắt đầu có hiệu lực chính thức từ 19/8/2017, áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.
Trước đó, vào tháng 5/2017, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Cổ phiếu của các DN kinh doanh phân bón DAP như DAP - VINACHEM, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình đã phản ứng tích cực.
Trong khoảng thời gian ra quyết định điều tra cho đến khi áp dụng thuế tự vệ (12/5 - 4/8), giá cổ phiếu QBS đã tăng 50% (từ 7.090 đồng lên 10.700 đồng), còn giá cổ phiếu DDV tăng thêm 27% (từ 6.300 đồng lên 8.000 đồng). Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu 2 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu ngành là Phân bón Dầu khí Cà Mau và Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao lại chỉ dao động nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, ngay sau khi quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời được ban hành, giá cổ phiếu QBS đã tăng trần, đóng cửa ở mức 11.400 đồng, còn cổ phiếu DDV tăng từ 7.800 đồng lên 7.900 đồng.
Theo các chuyên gia chứng khoán, với việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP, trong thời gian tới DN sản xuất các mặt hàng này sẽ có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương chỉ mang tính ngắn hạn, để tăng trưởng bền vững, các DN phân bón cần tiết giảm chi phí, cơ cấu lại các khoản nợ vay, hạ giá thành sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.