Doanh nghiệp thép dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt, thị trường bất động sản (BĐS) còn khó khăn, chi phí tài chính lớn… là những yếu tố tạo áp lực lên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2023.
Thị trường thép xuất khẩu bị thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Ảnh: Huyền Trang
Thị trường thép xuất khẩu bị thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Ảnh: Huyền Trang

Mới đây, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đưa ra 3 kịch bản về kết quả kinh doanh 2023. Trong trường hợp xấu nhất, VNSteel dự kiến lỗ 252 tỷ đồng và trong điều kiện thuận lợi có thể lãi 28 tỷ đồng; phương án còn lại là lỗ 50 tỷ đồng.

Nhận định về bối cảnh kinh doanh năm 2023, VNSteel cho rằng, thị trường thép xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế của doanh nghiệp. Đồng thời, dẫn tới hệ lụy là các doanh nghiệp không xuất khẩu được sẽ quay trở lại tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Trên cơ sở các dự báo về giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, Tổng công ty nhận định giá thép thành phẩm nội địa năm 2023 sẽ có tốc độ giảm sâu hơn so với tốc độ giảm giá nguyên liệu do áp lực cạnh tranh để bán hàng.

Theo VNSteel, triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường nội địa trong quý I/2023 rất thấp khi Việt Nam vẫn chưa tháo gỡ được điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Phải sang nửa cuối năm 2023, thị trường thép Việt Nam mới thực sự phục hồi do độ trễ của các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng của Chính phủ.

Đối với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp này xác định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Điểm tích cực là lạm phát thế giới có dấu hiệu đạt đỉnh và tỷ giá được kiểm soát tốt hơn, không còn thời kỳ “ngủ đông”, bi quan như giai đoạn đầu 2022 mà niềm tin lúc này đã lớn hơn.

Những thách thức được Hòa Phát nhận diện trong năm nay là lạm phát gia tăng, cầu tiêu dùng yếu, tác động đáng kể đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Trong khi đó xu hướng duy trì lãi suất ở mức cao vẫn còn phổ biến làm gia tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh ngày càng lớn đối với các lĩnh vực sản xuất của Tập đoàn, đặc biệt là thép. Cuối cùng là rào cản về khuôn khổ thể chế chưa được tháo gỡ, đặc biệt đối với nhóm ngành bất động sản, liên quan đến đầu ra của ngành sản xuất thép. Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn 5,25% so với thực hiện năm 2022.

Cạnh tranh trong nước gia tăng cũng là nhận định của Công ty CP Thép VICASA - VNSteel. Trong tài liệu gửi cho các cổ đông cho cuộc họp sắp tới, VICASA nêu rõ, trên thị trường thép trong nước, cung đã vượt cầu. Thị trường trong năm 2023 sẽ là cuộc đua rất gay gắt để giành thị phần, trong đó chủ yếu cạnh tranh về giá bán. Giá bán thành phẩm trong nước hiện nay vẫn cao hơn mặt bằng giá khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, doanh nghiệp lớn khó khăn trong xuất khẩu nên sẽ chuyển hướng cạnh tranh tại thị trường trong nước. Do đó, VICASA lên kế hoạch tiêu thụ 125.000 tấn thép cán trong năm 2023, tương ứng với lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng.

Trước bối cảnh khó khăn nhiều doanh nghiệp thép khác cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC đặt mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn thép các loại, lợi nhuận ròng ở mức 150 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận này thấp hơn đáng kể so với kết quả mà SMC đạt được trong năm 2020 và 2021, lần lượt là 901 tỷ đồng và 316,1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục