Ảnh minh họa. |
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) đã dẫn số liệu về lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014. Đồng thời dự báo tình trạng nhập khẩu tiếp diễn trong đầu năm 2016 càng đáng lo ngại.
Cụ thể, mức nhập khẩu đã tăng đột biến trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, với mức tương ứng là 317.000 tấn và 340.000 tấn. Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mức giá bình quân nhập khẩu liên tục giảm mạnh, từ mức 451 USD tấn (tháng 1/2015) giảm xuống mức 269 USD/tấn (tháng 1/2016), đã gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất phôi thép trong nước.
Trước đó, CTCP Thép Hoà Phát cũng từng gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với lượng thép nhập khẩu quá lớn, ngành sản xuất thép Việt Nam chắc chắn không thể trụ vững và gặp nhiều khó khăn, nguy cơ trở lại 10 năm trước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi thép nhập khẩu.
Không riêng các doanh nghiệp, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng về vấn đề này.
Theo đó, VSA cho biết, với lượng phôi thép nhập khẩu tăng cao đột biến, giá phôi thép nhập khẩu cũng giảm mạnh, thì nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 – 5 triệu tấn trong năm 2016.
“Với lượng nhập khẩu này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ không chỉ tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như đã xảy ra trong năm 2015, mà thậm chí phải đóng cửa”, văn bản của VSA nêu rõ.
Cũng liên quan đến thực trạng phôi thép nhập khẩu tăng mạnh thời gian qua, Hoà Phát và 3 công ty thép Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, CTCP Gang thép Thái Nguyên (2 đơn vị thành viên của Vnsteel) và CTCP Thép Việt Ý (chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước) đã đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu của phôi thép và thép dài.
Ngày 25/12/2015 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra quyết định 14296/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần kể từ khi Bộ Công Thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, một loạt doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép gồm CTCP thép Pomina, Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH đã cùng đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép.
Tại văn bản trình Thủ tướng Vnsteel cho biết, mặc dù 2 đơn vị thành viên của Vnsteel và Hoà Phát, CTCP Thép Việt Ý đã gửi hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam và Bộ Công Thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra nhưng tình trạng nhập khẩu phôi thép ồ ạt vào Việt Nam vẫn không có dấu hiệu chững lại mà còn tiếp tục gia tăng.
“Nếu tốc độ nhập khẩu phôi thép tiếp tục duy trì thì các đơn vị sản xuất phôi thép trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ phải dừng sản xuất và phá sản đồng thời kéo theo nhiều hệ lụỵ khác”, văn bản của Vnsteel do Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Đa ký nêu rõ.