Doanh nghiệp cần quan tâm phát triển thị trường trong nước nếu muốn hội nhập thành công. Ảnh: LTT |
Doanh nghiệp đang bị “li ti hóa”
Tại Diễn đàn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, TS. Võ Trí Thành cho rằng: “DN Việt Nam đang bị “li ti hóa” và sẽ khó có thể bắt được nhịp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay”.
Lý giải nhận xét này, ông Thành phân tích, các nghiên cứu hiện nay chỉ ra 3 lý do khiến DN Việt không lớn lên được về cả năng lực lẫn quy mô đó là: nhóm vấn đề của DN tư nhân Việt Nam (vấn đề quyền tài sản; bất bình đẳng trong cạnh tranh; khó tiếp cận các nhân tố sản xuất như công nghệ, vốn, đất đai); vấn đề kết nối, học hỏi; cuối cùng là môi trường kinh doanh.
“Có một điều đáng buồn là chúng ta có cách nhìn rất đối địch giữa DN FDI và doanh nghiệp trong nước. Cạnh tranh là có, chiến đấu là có, nhưng dù yêu, dù ghét cũng phải bắt tay để học hỏi, kết nối, bởi họ là mạng, chuỗi toàn cầu, là công nghệ mới, tiêu chuẩn mới…” – ông Võ Trí Thành nêu quan điểm và đưa ra dẫn chứng: Singapore là nền kinh tế có tỷ trọng đóng góp của DN FDI lớn nhất thế giới, tuy nhiên nền kinh tế Singapore vẫn rất độc lập, tự chủ; hay như trường hợp của Dubai, thành phố có tỷ trọng đóng góp của DN FDI lớn nhất thế giới cũng có nền kinh tế rất phát triển.
Do đó, theo ông Thành, vấn đề lúc này là “cách chơi” thế nào, năng lực của các DN ra sao. “Kinh nghiệm của Đoàn đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho thấy, đã mở cửa hội nhập thì nên chơi với những người tốt nhất”, ông Thành nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận đều tính đến lộ trình phát triển của nền kinh tế trong nước và dành thời gian thích hợp cho sự chuẩn bị của các DN.
Cần có cái nhìn tổng thể
Từ góc nhìn DN, đại diện một DN ngành cơ khí cho rằng, vấn đề “ách tắc” của Việt Nam trong sân chơi hội nhập chính là việc bán hàng và phân phối sản phẩm xuất khẩu như thế nào. Trong khi đó, chúng ta chỉ loanh quanh với việc phải bảo vệ và “đỡ đòn” cho thị trường trong nước. Theo vị đại diện này, những DN tiên phong tìm kiếm, nghiên cứu, phát triển thị trường ở các nước mà Việt Nam ký kết FTA cần phải được Nhà nước hỗ trợ (tài chính, thủ tục, hải quan…) để xây dựng Văn phòng đại diện ở nước ngoài. Nhờ những nghiên cứu thị trường từ các DN tiên phong này, các DN trong nước có được những thông tin quý báu về thị trường cần gì, đòi hỏi chất lượng ra sao…, từ đó có những định hướng phát triển DN hiệu quả.
Ông Đỗ Hữu Hào, Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia, bày tỏ quan điểm, khi nói về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA, chúng ta vẫn thường chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, mà chưa có sự quan tâm thích đáng cho vấn đề làm thế nào để phát triển thị trường trong nước trước những thách thức của hội nhập. “Làm thế nào để có thể cạnh tranh được với các nước tham gia TPP trong các lĩnh vực dịch vụ, y tế..., trong khi những lợi thế của các lĩnh vực này đang khiến Việt Nam thua ngay trên sân nhà”, ông Đỗ Hữu Hào nêu vấn đề.
Tuy nhiên, ở góc tiếp cận của mình, TS. Võ Trí Thành nhận định, riêng trong lĩnh vực y tế, nếu chúng ta không mở cửa thì ước tính mỗi năm người Việt Nam vẫn mang 2 - 3 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, và nếu các DN mang dịch vụ y tế vào Việt Nam thì chưa hẳn đã là điều không tốt. Từ thực tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, “phải có cái nhìn tổng thể về tất cả các cơ hội cũng như thách thức mà các FTA mang lại”.