Doanh nghiệp vận tải biển hồi sinh trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng phi mã trong nửa đầu năm nay nhưng giá cước vận tải biển trên toàn thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này giúp nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong nước kinh doanh khởi sắc sau một thời gian dài khó khăn.
Đồ thị diễn biến chỉ số BDI
Đồ thị diễn biến chỉ số BDI

Từ chỗ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nhiều năm liền không đủ bù đắp chi phí giá vốn, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) bất ngờ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2021. Doanh thu dù giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 579,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp đạt 101,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VOSCO cũng ghi nhận khoản lợi nhuận lên đến 122 tỷ đồng từ bán khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Kết quả, Công ty ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục 222 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Một doanh nghiệp vận tải biển khác là Công ty CP Vận tải biển Vinaship cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan sau nhiều năm khó khăn. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty nửa đầu năm 2021 đạt 387,3 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp sau khi trừ đi chi phí giá vốn đạt 73,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 1,1 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, Vinaship lãi trước thuế 69,2 tỷ đồng.

Không có lãi như VOSCO và Vinaship, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty CP Hàng hải Đông Đô ghi nhận 127,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế âm 13,4 tỷ đồng. Dù kinh doanh chưa có lãi nhưng con số lợi nhuận này là tích cực nếu so với kết quả cùng kỳ năm ngoái, âm 38,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Hàng hải Đông Đô đã có chuyển biến tích cực khi doanh thu đã bù đắp được chi phí giá vốn. Kết quả lợi nhuận âm của Công ty một phần do chi phí lãi vay lớn.

Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vận tải biển đến từ giá cước vận tải tăng phi mã trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ cuối tháng 11/2020, giá cước vận chuyển bằng tàu biển, phí thuê container đi từ Việt Nam tăng đột biến.

Một số doanh nghiệp kinh doanh có lãi ổn định hàng năm như Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2021 kỷ lục 218 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vận tải biển đến từ giá cước vận tải tăng phi mã trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ cuối tháng 11/2020, giá cước vận chuyển bằng tàu biển, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả hàng khô và hàng lạnh) tăng đột biến. Ở một số cảng, giá tháng sau tăng gấp đôi so với tháng trước và gấp gần 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Cụ thể, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/cont, đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/cont. Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont, đến tháng 12/2020 là 4.000 USD/cont, đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont.

Tăng “nóng” trong nửa đầu năm nhưng giá cước vận tải biển trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhìn vào đà tăng của chỉ số BDI (viết tắt của Baltic Dry Index, tạm dịch là “chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic”). Đây là chỉ số do Sở Giao dịch Baltic (Baltic Exchange) trụ sở tại London (Anh) công bố hàng ngày để đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô như: quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc… Cụ thể, BDI tăng 1,3% lên 4.201 điểm vào ngày 24/8, mức cao nhất kể từ giữa năm 2010 và kéo dài mức tăng trong phiên thứ 11 liên tiếp, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu hàng hóa cùng với những hạn chế trong vận chuyển do dịch bệnh, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục