Doanh nghiệp xi măng “đau đầu” với bài toán lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm 2025 khi các doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng, thậm chí lỗ sâu, bất chấp triển vọng thị trường nội địa hồi phục. Áp lực dư thừa nguồn cung, cạnh tranh về giá bán và chi phí đầu vào cao là những thách thức chính mà các doanh nghiệp ngành này phải đối mặt.
Năm 2025, doanh số nội địa của doanh nghiệp xi măng được kỳ vọng tăng tốc nhờ sự khởi sắc của hoạt động xây dựng. Ảnh minh họa: Song Lê
Năm 2025, doanh số nội địa của doanh nghiệp xi măng được kỳ vọng tăng tốc nhờ sự khởi sắc của hoạt động xây dựng. Ảnh minh họa: Song Lê

Theo Báo cáo ngành vật liệu xây dựng được VIS Rating công bố, năm 2024, doanh thu của các doanh nghiệp xi măng trong phạm vi nghiên cứu của VIS Rating tăng 3% so với năm trước, nhưng biên lợi nhuận gộp thu hẹp chỉ còn 8,7% (trung bình giai đoạn 2022 - 2023 là 10,4%) và chi phí bán hàng tăng 4%. Nhu cầu và doanh số yếu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp xi măng phải giảm giá bán và hoạt động dưới mức công suất tối ưu.

Báo cáo cho biết, doanh số xuất khẩu xi măng năm 2024 giảm 14%, chủ yếu tại Bangladesh (-19%) và Philippines (-11%). Trong năm 2025, VIS Rating kỳ vọng doanh số nội địa sẽ tăng tốc nhờ sự khởi sắc của hoạt động xây dựng, giúp giảm bớt tác động từ các thị trường xuất khẩu chính.

Dù được kỳ vọng khởi sắc năm 2025 nhờ diễn biến thuận lợi hơn của thị trường bất động sản, nhưng kế hoạch kinh doanh được một số doanh nghiệp trong ngành công bố mới đây cho thấy sự thận trọng.

Theo kế hoạch kinh doanh được Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân công bố, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tiêu thụ 410.000 tấn xi măng trong năm 2025, tăng 11,3% so với năm 2024; doanh thu thuần là 443 tỷ đồng, tăng 27,3%. Công ty dự kiến lợi nhuận trước thuế âm 47,3 tỷ đồng, trong khi năm 2024 âm 43,8 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây, Vicem Hải Vân cho biết, trong quý đầu năm 2025, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu xi măng thấp, công trình xây dựng dân dụng mới chưa được khởi công nhiều, các công trình dự án chậm triển khai, cạnh tranh khốc liệt về giá bán giữa các đơn vị sản xuất xi măng, đặc biệt tại khu vực miền Trung do áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất. Do đó, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu đạt 202 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025 và lỗ ròng 17 tỷ đồng.

Ngoài vấn đề cung vượt xa so với cầu, trên địa bàn kinh doanh chính của Vicem Hải Vân là Đà Nẵng, Quảng Nam có nhiều cảng biển, là đầu mối cung cấp các loại xi măng nên mức độ cạnh tranh rất mạnh. Sản phẩm của các thương hiệu Xi măng Sông Gianh, Luks, Đồng Lâm, Xuân Thành, Công Thanh... thâm nhập thị trường Đà Nẵng có giá bán rẻ nên thu hút được người tiêu dùng.

Đối với Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, sản lượng tiêu thụ mục tiêu năm 2025 là 3,7 triệu tấn xi măng, tăng 4,8% so với năm 2024 và 354 nghìn tấn clinker (tăng 36,1%), tương ứng với doanh thu thuần 3.679,6 tỷ đồng, tăng 5,4%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 2,4 tỷ đồng, thấp hơn so với thực hiện năm 2024 là 3,6 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên của Xi măng Bỉm Sơn cho biết, nguồn cung xi măng năm 2024 tiếp tục vượt xa so với nhu cầu. Cụ thể, nguồn cung đạt khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu xi măng trong nước chỉ khoảng 58,5 - 59 triệu tấn; xuất khẩu xi măng, clinker khoảng 30 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm 2023 (31,2 triệu tấn). Dư thừa nguồn cung xi măng dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất xi măng cạnh tranh ngày càng gay gắt, giảm giá bán, tăng chính sách bán hàng, đưa ra nhiều nhãn hiệu xi măng mới với giá bán thấp để gia tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần. Giá bán xi măng có xu hướng ngày càng giảm trong khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu sản lượng sản xuất đạt 630.000 tấn. Tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 605,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 30 tỷ đồng, giảm 38% mục tiêu lợi nhuận so với thực hiện năm 2024.

Trong khi đó, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai đặt kế hoạch tiêu thụ 1,735 triệu tấn clinker và xi măng, lợi nhuận sau thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) là 3,03 tỷ đồng, trong khi năm 2024 lỗ 69,8 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục