Doanh nhân kiều bào hiến kế đưa hàng Việt vượt biển vươn khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù hàng hóa Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển bởi mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do trên thế giới, nhưng theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiều bào tại Tọa đàm trực tuyến Kết nối doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước diễn ra chiều ngày 13/10, đến nay trên nhiều kệ hàng siêu thị nước ngoài vẫn còn vắng bóng hàng Việt.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại Tọa đàm, ông Hồ Quang Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam toàn Thái Lan cho biết, Hiệp hội hiện có 500 hội viên với 15 chi hội tại Thái Lan và có một trung tâm triển lãm 10 ha đặt tại miền Đông Bắc Thái Lan, trong đó dành riêng 1 ha cho hàng Việt Nam. Nhưng có một thực tế, hàng Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều, ngược lại hàng Việt Nam sang Thái Lan lại rất hạn chế. Hàng Việt thường có giá cao, không đáp ứng tính cạnh tranh về sản phẩm, số lượng, cũng như có nhiều rào cản thuế quan…

Tại thị trường châu Âu, ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Ba Lan cho biết, trong số các mặt hàng được Việt kiều phân phối, hiện chỉ có 5 - 10% hàng hóa của Việt Nam. Ngoài hạn chế về chất lượng, giá thành, còn gặp khó khăn về thời hạn giao hàng, thanh toán…

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đây là một trong những vấn đề trăn trở của Đảng, Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước hiện nay. Đó là làm thế nào để tăng cường, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước sở tại.

Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024.

Để đưa hàng Việt vào các siêu thị tại EU, Mỹ, theo ông Peter Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi cách làm một cách căn cơ, bài bản.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu chia sẻ, vấn đề gốc rễ cần giải quyết hiện nay của doanh nghiệp trong nước là sự bất cập về tư duy kinh doanh. Do nhiều hạn chế về nguồn lực, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, làm sao để bán hàng được nhanh nhất.

Trong khi đó, theo ông Huê, để hỗ trợ một doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế biến chè để xuất sang thị trường EU, doanh nhân kiều bào phải mất rất nhiều thời gian đi kiểm soát vùng nguyên liệu, đánh giá chất lượng mẫu mã, khẩu vị, quy cách đóng gói, xây dựng thương hiệu. Một trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch phải mất từ 6 - 8 tháng, trải qua 4 lần kiểm nghiệm, trong khi mùa vụ lại rất ngắn. Chỉ tính riêng chí phí đóng hàng đông lạnh chuyển đi lại đã rất tốn kém.

Do đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại EU khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước “hãy để người làm nhanh nhất, hiệu quả nhất mang hàng của mình đi bán”.

Theo chia sẻ của một doanh nhân ở Phần Lan, hàng hóa Việt Nam muốn xuất sang EU phải có các giấy chứng nhận, ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật chung của khối thì từng quốc gia còn có những quy định, cấp phép riêng, cộng vào đó là chi phí logistics, nhất là trong bối cảnh tăng giá do tác động của Covid-19. “Do không đủ sức và kinh nghiệm như doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gom lại với nhau thành hội đồng, ngành hàng thì sẽ mạnh hơn, lúc đó mới có thể đánh hàng ra nước ngoài”, doanh nhân kiều bào ở Phần Lan gợi ý.

Ngược lại, vị doanh nhân này cũng đề nghị kiều bào cố gắng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ về nước, tư vấn hoàn thiện sản phẩm, dữ liệu để giúp cho hàng Việt đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ tập trung vào thị trường dễ tính mà nên có chiến lược mở rộng sang những thị trường khó tính hơn. Để khắc phục những hạn chế về các nguồn lực, doanh nghiệp trong nước nên tận dụng các doanh nhân kiều bào tại các khu vực Bắc Âu, Tây Âu để mở văn phòng đại diện, đại lý phân phối, thay vì một mình tự xoay xở, một mình không thể đủ sức làm hết tất cả, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức triển lãm giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhiều doanh nhân kiều bào còn đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp như: thành lập Mạng lưới các trung tâm thương mại của doanh nhân người Việt tại Đông Âu; phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan; thành lập Ngôi nhà Thương mại Việt Nam tại Bỉ trong năm 2021; tạo lập sàn thương mại điện tử; thành lập các mạng lưới giám định, kiểm định hàng hóa xuất khẩu trước khi thông quan; xây dựng các trung tâm logistics tập trung để tận dụng thời gian và chi phí giao hàng…

Tin cùng chuyên mục