Đơn giản hóa thủ tục để tăng hiệu quả hoạt động đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định để đơn giản hóa thủ tục nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu. Những đề xuất mới này nhận được sự hưởng ứng và đánh giá tích cực của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và đại diện phía nhà thầu.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp là một trong những mục tiêu của lần sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu này. Ảnh: Lê Tiên
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp là một trong những mục tiêu của lần sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu này. Ảnh: Lê Tiên

Rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí thực hiện

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, mặc dù quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu (LCNT) quy định tại Luật Đấu thầu 2013 đã được đơn giản hóa, nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là khi phải LCNT, nhà đầu tư để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách...

Nhận thức được đòi hỏi của thực tiễn, một trong những mục tiêu của lần sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu này là phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục LCNT, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...; bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng trong những trường hợp cấp bách, cần mua sắm nhanh…

Về quy trình đấu thầu chung, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo hướng lược bỏ bớt thủ tục thẩm định, phê duyệt ở các cấp trung gian như: phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, danh sách xếp hạng nhà thầu, thương thảo hợp đồng (trừ gói thầu lớn, phức tạp); thủ tục lập, thẩm định kế hoạch LCNT, nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu (HSMT)… Hay như trong mua sắm thường xuyên (thuốc, vật tư, thiết bị y tế), Dự thảo Luật bỏ thủ tục phê duyệt quyết định mua sắm, không bắt buộc lập dự toán cho gói thầu; phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch LCNT.

Cùng với việc đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng trong thời gian tới, thời gian tổ chức đấu thầu sẽ tiếp tục được rút ngắn do nhiều công việc, tác nghiệp sẽ được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất bãi bỏ quy định về việc cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu phải có chứng chỉ hành nghề; bãi bỏ quy định cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau khi rà soát, Bộ KH&ĐT nhận thấy, đấu thầu không thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư. Việc xác định cá nhân có đáp ứng yêu cầu thực hiện hoạt động đấu thầu, tham gia tư vấn đấu thầu hay không là do bên sử dụng dịch vụ tự xem xét, quyết định. Việc bãi bỏ thủ tục này mang lại nhiều lợi ích như: giảm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề.

Xử lý kịp thời những trường hợp cấp bách, đặc biệt

Để rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án/gói thầu, Dự thảo Luật đề xuất cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu trong một số trường hợp cần thiết trước khi có quyết định dự án liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng (đấu thầu trước) có thể tổ chức thực hiện một số công việc LCNT.

Trong một số trường hợp, thay vì tổ chức đấu thầu nhiều lần, Dự thảo Luật cho phép đấu thầu các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 1 năm hoặc cần yêu cầu nhà thầu cam kết cung cấp dịch vụ trong thời gian dài đối với mua sắm thường xuyên trên cơ sở dự toán dự kiến được giao hằng năm (như gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh, đường truyền Internet, thuê trụ sở...). Cho phép mua thêm các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó (thỏa thuận khung mở, thay vì tổ chức một cuộc đấu thầu mới)...

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Luật lần này là bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch LCNT tổng thể (về hình thức, phương thức LCNT, loại hợp đồng) để rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, LCNT trong trường hợp đặc biệt (như dịch bệnh...), mua sắm qua tổ chức quốc tế… nhằm tạo thuận lợi để áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thực tế, theo ông Ninh Viết Định, Trưởng Ban Quản lý xây dựng của Tập đoàn Điện lực (EVN), EVN đã thực hiện khá thành công mô hình phê duyệt kế hoạch LCNT tổng thể, nếu có thay đổi nội dung kế hoạch trong quá trình thực hiện dự án thì chủ đầu tư không phải trình người có thẩm quyền phê duyệt lại. Mô hình này giúp nâng cao hiệu quả giám sát của chủ đầu tư đối với các bên mời thầu, nhà thầu trong quá trình tổ chức LCNT, qua đó tăng cường hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí của công tác đấu thầu. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng với các lĩnh vực khác.

Đánh giá về đề xuất bổ sung quy định “đấu thầu trước”, ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định này nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức LCNT, phù hợp với những gói thầu cần bảo đảm tính liên tục, kế thừa hoặc một số nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tin cùng chuyên mục